Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đối với các chuyến bay quốc nội vì ảnh hưởng đến cân đối tài chính.
Cụ thể, tại văn bản số 722/VATM, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ xem xét không tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đối với các chuyến bay quốc nội. Đồng thời, tiếp tục giảm 50% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay cho VATM trong năm 2021.
Đề xuất này được ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VATM giải thích là để Tổng công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ công ích bảo đảm hoạt động bay được nhà nước giao và bảo toàn vốn Nhà nước tại đơn vị.
VATM cho biết sản lượng điều hành bay và doanh thu điều hành bay của Tổng công ty có mối liên hệ và phụ thuộc trực tiếp tới tình hình hoạt động của các hãng hàng không, đặc biệt là hoạt động bay quá cảnh.
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2020 Tổng công ty áp dụng mức giảm giá điều hành bay đi, đến quốc nội bằng 50% mức giá tại Thông tư số 53/2014/TT-BGTVT cho các hãng hàng không trong nước với tổng giá trị giảm là 159 tỷ đồng.
Lãnh đạo VATM khẳng định việc giảm giá trên cùng với tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh từ việc cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay của Tổng công ty đang mất cân đối thu chi trong năm 2020 là 141 tỷ đồng.
Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty phải chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như phải thực hiện giảm giá điều hành bay cho các hãng hàng không trong nước nhưng đến thời điểm hiện tại Nhà nước vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty ngoài chính sách giảm 10% phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay trong năm 2020 (tương ứng khoảng 6 tỷ đồng).
[Vietnam Airlines sẽ có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025]
Năm 2021 dự báo tình hình sản xuất kinh doanh vẫn tiếp tục khó khăn do hoạt động bay của thị trường hàng không trong nước và quốc tế vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Dự kiến sản lượng điều hành bay và doanh thu năm 2021 chỉ đạt khoảng 97% so với ước thực hiện năm 2020.
Lãnh đạo VATM đánh giá, với doanh thu trên Tổng công ty chỉ có thể cân đối được các hoạt động thường xuyên ở mức tối thiểu đủ để duy trì các hoạt động thiết yếu liên quan đến trực tiếp hoạt động công ích và đảm bảo cho quỹ tiền lương chi trả cho người lao động ở mức tiền lương cơ bản của Tổng công ty.
“Như vậy, trường hợp tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá 50% đối với các chuyến điều hành bay đi, đến quốc nội trong năm 2021 (tương ứng giảm hơn 300 tỷ đồng doanh thu), Tổng công ty sẽ mất cân đối thu chi trầm trọng (dự kiến lỗ 410 tỷ đồng).
Việc mất cân đối thu chi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động công ích bảo đảm hoạt động bay Tổng công ty, việc bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng công ty và thu nhập của người lao động,” lãnh đạo VATM cho hay.
Cũng giống như các hãng hàng không, dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VATM. Theo số liệu dự báo hết năm 2020, doanh thu Tổng công ty cũng chỉ đạt 1.760 tỷ đồng, bằng 40,96% so với năm 2019. Tổng quỹ tiền lương của Tổng công ty tối đa là 816 tỷ đồng, bằng 69% so với năm 2019 và Tổng công ty không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và các quỹ khác theo quy định.
VATM là công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho tất cả tàu bay dân dụng và vận tải quân sự trong vùng trời trách nhiệm được giao; trong đó phần doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ điều hành bay chiếm phần lớn tổng doanh thu của Tổng công ty (khoảng 98% tổng doanh thu)./.