Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển

Bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn còn không ít doanh nghiệp gặp khó khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ; khó khăn trong việc đưa các sản phẩm ra thị trường.

Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp khoa học công nghệ bên lề Hội thảo. (Ảnh: Đ.H/Vietnam+)
Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp khoa học công nghệ bên lề Hội thảo. (Ảnh: Đ.H/Vietnam+)

Chiều 24/11, Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo đã tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi Số và Đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam.”

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST VIETNAM 2023.”

bhời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn coi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển.

Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đã từng bước phát triển, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng nhanh hơn, hiệu quả hơn. Năm 2023, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (Global Innovation Index) của Việt Nam được xếp thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Ông Hoàng Đức Thảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhấn mạnh: Cơ chế chính sách ưu tiên phát triển, bảo hộ thị trường hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo hộ công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ Việt Nam sẽ là động lực thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, hướng đến làm chủ công nghệ với kỳ vọng làm chủ thị trường trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, sự ra đời của Nghị định 13/2019/NĐ-CP về Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ là một bước đột phá về cơ chế chính sách, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai, tín dụng… giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan thì vẫn còn không ít doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp khó khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khó khăn trong việc đưa các sản phẩm ra thị trường.

kh2.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo cho biết kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ ra thị trường của nhiều đơn vị chưa tương xứng với đầu tư và kết quả nghiên cứu. (Ảnh: Đ.H/Vietnam+)

Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 170 doanh nghiệp hội viên cho thấy, có 11 doanh nghiệp cung cấp số liệu được ưu đãi với tổng số tiền vào khoảng 180 tỷ đồng. Còn lại đa phần là các doanh nghiệp vẫn chưa đủ điều kiện được ưu đãi và chưa thực hiện thủ tục.

Bên cạnh đó, kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ ra thị trường của nhiều đơn vị chưa tương xứng với đầu tư và kết quả nghiên cứu. Việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến không đạt hiệu quả như mục tiêu và nhu cầu phát triển. Không ít doanh nghiệp chưa đặt trọng tâm đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, để làm nền tảng cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững…

Trước thực tế trên, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiến nghị cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, theo đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo.

Các tổ chức trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường phối hợp với các Sở địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13, đảm bảo các doanh nghiệp khoa học công nghệ đều được hưởng lợi ích từ Nghị định này.

Các cơ quan rà soát lại toàn bộ các cơ chế chính sách nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hiện hành, trên cơ sở đó đề nghị bổ sung điều chỉnh cơ chế theo hướng xã hội hóa – tạo thị trường cạnh tranh, không phân biệt thành phần, đối tượng…

“Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường theo hướng quy định chủ sở hữu và tác giả phải cam kết chịu trách nhiệm bồi thường thích đáng nếu có tranh chấp,” đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh.

Liên quan đến định hướng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ cho rằng cần xây dựng đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Trong đó, chú trọng chính sách chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học và công nghệ, khuyến khích hợp tác công – tư và đầu tư tư nhân trong các dự án thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.