Kiến nghị xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh

Thành phố thông minh sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu và công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ với chất lượng cuộc sống tốt, song không gây ra bất lợi hoặc suy thoái về môi trường tự nhiên.
Tiến sỹ Nguyễn Thành Phong, Phó Ban Kinh tế Trung ương phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)
Tiến sỹ Nguyễn Thành Phong, Phó Ban Kinh tế Trung ương phát biểu. (Ảnh: Vietnam+)

Định hướng phát triển đô thị thông minh là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nhằm đẩy mạnh hiệu quả quá trình triển khai Nghị quyết, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì tổ chức hội thảo “Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 10/11.

Nhận thức chưa cao

Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Thành Phong, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho biết đến nay cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh (trong đó có các đề án, kế hoạch ban hành cho toàn tỉnh và một đô thị thuộc tỉnh).

Đánh giá về việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam trong thời gian qua, Phó Ban Kinh tế nhấn mạnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, do nhận thức về từ nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), cộng đồng doanh nghiệp và người dân chưa được nâng cao. Hơn nữa, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh vẫn chưa được ban hành đầy đủ, đồng bộ.

“Thêm vào đó, sự tham gia của cộng đồng và các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế, khiến cho việc triển khai mang tính riêng lẻ, manh mún. Theo đó, các đô thị thông minh chưa mang tính đặc thù cho mỗi đô thị, nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh (vốn và nhân lực) còn nhiều hạn chế,” ông Phong nói.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ông Phong cho rằng các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam sẽ phải nhìn nhận lại nhiều vấn đề trong quá trình tồn tại và phát triển, đặc biệt trong đó có việc xem xét lại những mô hình phát triển đô thị nói chung và phát triển đô thị thông minh nói riêng.

Kiến nghị xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh ảnh 1Hội thảo 'Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.' (Ảnh: Vietnam+)

Theo Thượng tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, thành phố thông minh dựa trên cơ sở sử dụng các công cụ điều khiển hệ thống tích hợp, kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo. Trong đó, chủ đạo là tư duy hệ thống với phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.

“Mục tiêu xây dựng thành phố phải có giá trị, sức sống, khả năng phục hồi, năng lực cạnh tranh và thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư. Tiêu chí một thành phố thông minh sẽ phải đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế-xã hội và môi trường sinh thái,” ông Thành đề cập.

Cải thiện cơ bản cách thức tham gia vào xã hội

Theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 37122, thành phố thông minh phải tăng được tốc độ cung cấp kết quả bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường cũng như ứng phó với các thách thức (như biến đổi khí hậu, tăng dân số nhanh chóng, bất ổn chính trị-kinh tế), bằng cách cải thiện cơ bản cách thức tham gia vào xã hội, áp dụng các phương pháp lãnh đạo hợp tác đồng thời hoạt động theo các quy tắc.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ sử dụng hệ thống thông tin dữ liệu và công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ với chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cư dân, doanh nghiệp… song không gây ra bất lợi hoặc suy thoái về môi trường tự nhiên.

Trên cơ sở đó, ông Thành chỉ ra các yếu tố của một đô thị thông minh thành  công, trước hết là lợi ích của các bên liên quan (mức độ hài lòng hoặc không hài lòng), tiếp đến là sự tham gia và kết nối với trụ cột “kết nối công dân - Citizen Connect.”

Kiến nghị xây dựng Trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh ảnh 2

Mặt khác, muốn xây dựng thành phố thông minh thành công, cần liên kết khu vực, trong đó trọng tâm là cộng đồng và lấy động lực chiến lược cùng các sáng kiến làm nền tảng.

“Để làm được những điều trên, trước hết tư duy chiến lược phải gắn với  tốc độ phát triển công nghệ nhanh và khung thời gian cho các cấp độ chiến lược. Chiến lược thành phố thông minh là ý tưởng mới nên phải vừa thực hiện, vừa rút ra bài học cũng như kinh nghiệm từ các thành phố khác,” ông Thành nói.

Về cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện đô thị thông minh, tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên, Phó Giám đốc Chiến lược sản phẩm, Tập đoàn VNPT,  đề xuất thành lập Trung tâm giám sát và điều hành. Đây sẽ là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc chính quyền với cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ chuyên môn, bao gồm nhóm chuyên viên ngành, nhóm chuyên gia dữ liệu, nhóm giám sát, nhóm hạ tầng kỹ thuật và nhóm truyền thông.

“Cơ quan chức năng cần xây dựng, ban hành các quy chế phối hợp sử dụng thông tin, dữ liệu từ Trung tâm giám sát, điều hành tới các ngành, các lĩnh vực để bảo đảm hoạt động xuyên suốt và hiệu quả (như quy chế phối hợp xử lý phản hồi hiện trường máy chủ; quy chế phối hợp với các ngành thuế, hải quan, kho bạc, công an, thống kê, bảo hiểm xã hội, địa phương), kết nối, chia sẻ dữ liệu cho các hệ thống sử dụng triển khai trên phạm vi toàn quốc,” ông Kiên kiến nghị.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất tại hội thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.