Kiên quyết chống buôn lậu qua biên giới

Kiên quyết phòng chống hoạt động buôn lậu qua biên giới

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng buôn lậu.
Kiên quyết phòng chống hoạt động buôn lậu qua biên giới ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 7/1, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp giải trình “Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm” với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Phiên giải trình được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu tại Phiên giải trình.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu rõ báo cáo giải trình của các bộ, ngành liên quan sẽ cung cấp những thông tin đầy đủ, khách quan, đa chiều để làm rõ hơn việc đánh giá thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu qua biên giới; những kết quả đã đạt được và hệ lụy, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, qua đó, nêu biện pháp triển khai; đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật phòng, chống buôn lậu qua biên giới...

Hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định mặc dù có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng nhưng hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, từ đó thẩm lậu vào thị trường nội địa nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

Từ năm 2010 đến nay, bám sát sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 127/TW đã ban hành trên 200 kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng và các Ban chỉ đạo 127 địa phương thực hiện công tác chống buôn lậu. Các ban chỉ đạo 127 địa phương và các lực lượng chức năng đã có hàng ngàn đề án, phương án, kế hoạch chi tiết cho từng thời điểm, từng nhóm mặt hàng trên từng tuyến cụ thể.

Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn lậu, chiếm 14,2% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu đã phát hiện, xử lý là pháo các loại, động vật hoang dã; gỗ các loại; rượu; bia, nước giải khát...

Nêu giải pháp chung về kinh tế-xã hội, Bộ Công Thương cho rằng cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng để góp phần tự bảo vệ và phát triển thương hiệu của các thành viên, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; hình thành diễn đàn trao đổi công-tư về chống buôn lậu giữa các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới, từ đó người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; xây dựng Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng cần được đẩy mạnh; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường hàng hóa-giá cả; tổ chức kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” từ nay đến năm 2020. Sau khi Thủ tướng thông qua, Chương trình sẽ là cơ sở quan trọng để các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác chống buôn lậu.

Vây bắt đầu nậu - gốc của vấn đề

Đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu thời gian quan, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật) cho rằng vẫn còn một số lực lượng liên quan chưa làm tốt chức năng của mình, đâu đó vẫn còn “lấp ló” sự tiêu cực, bỏ qua cho buôn lậu.

Đại biểu đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng "làm thế nào để tăng cường trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với lĩnh vực này?"

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong công tác phòng, chống buôn lậu, kể cả lực lượng quản lý thị trường. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định hiện tượng tiêu cực trong công tác phòng, chống buôn lậu chỉ là thiểu số, nếu không, chắc chắn hoạt động này thời gian quan không thể đạt kết quả, cho dù chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Đề cập tới một nguyên nhân do lực lượng còn quá “mỏng” dẫn đến những hạn chế trong hoạt động quản lý thị trường, Bộ trưởng cho biết cả nước hiện có 5.200 cán bộ quản lý thị trường. Với tình hình như hiện nay, bình quân 1 địa phương chưa đến 100 người làm công tác này, cho dù rất cố gắng cũng chưa thể đạt được yêu cầu đề ra. Bộ đã báo cáo tình hình này với Chính phủ và Bộ Nội vụ. Trong Đề án trình Chính phủ, trước mắt, Bộ Công Thương đề nghị tăng 1.000 cán bộ quản lý thị trường cho các vùng trọng điểm.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng Báo cáo của Bộ Công Thương chưa đánh giá hết tình trạng nghiêm trọng của nạn buôn lậu qua biên giới. Tình trạng này đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam, làm mất niềm tin cho các doanh nghiệp.

Nhìn nhận vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng vấn nạn này có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng tập trung giải quyết các vụ việc trên 3 lĩnh vực phổ biến: nông nghiệp; chống thất thu thuế và các hàng hóa liên quan sức khỏe con người.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng vấn đề quan trọng là các lực lượng chức năng phải đánh vào lực lượng đầu nậu, phải giải quyết vấn đề từ gốc, hiện nay mới bắt được nhiều người vận chuyển hàng lậu.

Đồng tình về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng muốn nâng cao hiệu quả phòng, chống buôn lậu phải đánh vào các đầu nậu, các đường dây có tổ chức. Đánh giá thời gian qua, sự phối hợp liên ngành trong công tác này đã được thực hiện tốt, Bộ trưởng cho rằng sắp tới phải tăng cường hơn nữa việc trinh sát phát hiện và xử lý nghiêm các đường dây buôn lậu, các đầu nậu. Theo Bộ trưởng, việc bắt các đối tượng vận chuyển hàng lậu không phải là gốc của vấn đề.

Trả lời các câu hỏi cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng hiện nay do chế tài chưa đủ sức răn đe các đối tượng phạm pháp, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm-Bộ Công an đánh giá khung pháp lý hiện chưa đủ sức răn đe. Theo Thiếu tướng, cần tăng mức phạt hiện nay lên cao hơn nữa. Thiếu tướng cũng cho rằng tình trạng pháp luật chồng chéo cũng là một nguyên nhân dẫn tới việc khó xử lý hoạt động buôn lậu...

Kiên quyết phòng, chống buôn lậu qua biên giới

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ qua những ý kiến trao đổi thẳng thắn giữa các đại biểu Quốc hội và đại diện bộ, ngành cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế cần kiên quyết xử lý để có thể thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận một trong những nguyên nhân chính là hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể...

Cơ bản tán thành với những giải pháp sắp tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa trong nước; cần có các chủ trương, chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới, thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất cũng như tinh thần giữa các vùng, miền để người dân không tham gia tiếp tay cho buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.

Các bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, địa phương, lực lượng chức năng khi để xảy ra buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống buôn lậu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường cơ sở vật chất cho các lực lượng chức năng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.