Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới

Theo các chuyên gia, triển khai về không gian phát triển, tăng trưởng kinh tế cần dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.
Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới ảnh 1Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sáng 17/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: "Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới."

Hội thảo do lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì.

Đây là hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức.”

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao, với các mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

[Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn]

Mặc dù chịu tác động mạnh và tiêu cực của đại dịch COVID-19 và trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, phức tạp, nhanh, mạnh và khó lường, Việt Nam vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tăng trưởng kinh tế trong các năm 2020, 2021 và 2022.

Riêng năm 2022, ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 7,5-8%/năm. Trong đó, động lực tăng trưởng đến từ hầu hết các ngành từ phía tổng cung và các yếu tố tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu đều tiếp tục phục hồi mạnh mẽ…

Cùng với tăng trưởng kinh tế là sự cải thiện trong đời sống của người dân và sự ổn định của chính trị và xã hội.

Các ý kiến đều cho rằng trong năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp chưa có tiền lệ và khó lường, tăng trưởng đang bị chậm lại và có nguy cơ suy thoái… sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Do đó, triển khai về không gian phát triển, tăng trưởng kinh tế cần dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất, bền vững.

Cùng với đó, hình thành, kiến tạo được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đối với một nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu là một trong những tác động được kỳ vọng nhất từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do FTA. Trên thực tế, quá trình thực thi các FTA trong những năm qua đã hiện thực hóa phần nào kỳ vọng này.

Từ góc độ doanh nghiệp, các khảo sát doanh nghiệp về các FTA của VCCI năm 2020 và 2022 cho thấy, các doanh nghiệp có đánh giá khá tích cực về hiệu quả của các FTA.

Theo khảo sát năm 2022 của VCCI, có 54% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, các FTA đã mang đến tác động tích cực tới hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian qua (lớn hơn so với mức 46% trong Khảo sát 2020) và chỉ 1% doanh nghiệp cho biết đã chịu các tác động bất lợi từ các FTA liên quan tới các cam kết FTA (khảo sát năm 2020 là 3,2%).

Mặc dù các kết quả thực thi FTA từ góc độ sản xuất xuất khẩu là rất tích cực, một số thực tế cho thấy, nền kinh tế và các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được các FTA như kỳ vọng. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung.

Trước nhiều dấu hiệu bất lợi cho xuất khẩu trong quý IV/2022 và được dự kiến sẽ khó khăn hơn trong năm 2023, đại diện VCCI kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan triển khai một số biện pháp hỗ trợ trực tiếp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa hóa việc sử dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA như triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ).

Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA xây dựng kênh kết nối đối tác với doanh nghiệp Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho doanh nghiệp; thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam…

Về dài hạn, VCCI kiến nghị Đảng và Nhà nước nghiên cứu khả thi và xúc tiến việc đàm phán các FTA mới với một số thị trường tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam, như Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi…

Thiết lập chương trình đánh giá định kỳ hàng năm về hiệu quả thực thi các FTA một cách toàn diện; qua đó nhận diện và xử lý kịp thời các vấn đề cản trở việc tận dụng hiệu quả các FTA.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tới sự cần thiết của quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia có vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là căn cứ và cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm; quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng của quốc gia theo quy định của pháp luật có liên quan; lập các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh; là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong quản lý phát triển kinh tế-xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.