Kiên trì mục tiêu ASEAN 4 để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân

Với tinh thần bứt phá trong năm 2019 và sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo Nghị quyết 02 kiên trì mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 vào năm 2021.
Kiên trì mục tiêu ASEAN 4 để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân ảnh 1Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2018, đất nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, với 12 chỉ tiêu đều hoàn thành, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch quốc hội đề ra.

Đáng chú ý, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018.

Đây là thông tin được lãnh đạo Chính phủ đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 28/12.

[Thủ tướng: Con đường ta chọn là đúng, tư duy chúng ta không lỗi nhịp]

Sẽ ban hành chiến lược về cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ngay từ ngày 1/1/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 9 nhóm giải pháp trọng tâm, 59 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chủ động xây dựng kịch bản, hệ thống chỉ tiêu, giải pháp tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực; thường xuyên theo dõi, đánh giá, nhận diện rõ thời cơ, thách thức để có đối sách, giải pháp phù hợp.

“Việc điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương… đã góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Và, kết quả nổi bật khi GDP năm 2018 đạt 7,08%, là năm thứ 2 liên tiếp vượt và đạt tất cả 12 chỉ tiêu của Quốc hội đề ra,” Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.

Từ những kết quả trong năm 2018, Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trên cơ sở 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện trong năm 2019, dự thảo Nghị quyết 01 xác định mục tiêu đạt hoặc hoàn thành ở mức “cận cao.”

Cụ thể tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, tốc độ tăng CPI dưới 4 và tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP là 34%. Ngoài ra, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8-10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất nhập khẩu dưới 2%…

Để thực hiện mục tiêu tổng quát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, các trọng tâm chỉ đạo điều hành và các chỉ tiêu kinh tế- xã hội của Quốc hội giao, dự thảo Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 45 nhiệm vụ, giải pháp và 188 nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó có những giải pháp đáng chú ý như tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh tới việc khơi thông nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia trong lĩnh vực giao thông, điện, năng lượng.

"Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ mới và xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia hỗ trợ nghiên cứu, phát triển," Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm.

Khắc phục "trên nóng dưới lạnh"

Dẫn số liệu khảo khảo sát 10.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về 11 chỉ tiêu trọng điểm tác động mạnh nhất đối với doanh nghiệp, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có 6/11 chỉ tiêu được trên 50% số doanh nghiệp đánh giá tốt và rất tốt.

Tuy vậy vẫn có 5/11 chỉ tiêu kém và cần được cải thiện, như phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu, hoặc những chỉ tiêu được quốc tế đánh giá tốt như thủ tục xây dựng đứng thứ 21 nhưng 51% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng.

“Nhiều chuyên gia độc lập đánh giá chính sách chung của chúng ta tốt nhưng thực hiện cụ thể ở bên dưới liên quan đến đội ngũ công chức chưa thực sự tốt,” Phó Thủ tướng nói.

Với tinh thần bứt phá trong năm 2019, bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 và sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, dự thảo Nghị quyết 02 kiên trì mục tiêu lọt vào tốp ASEAN 4 vào năm 2021 hoặc đa phần các chỉ số lọt vào tốp ASEAN 4 để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Trong triển khai Nghị quyết 02, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu lên các nhóm giải pháp chính. Cụ thể là tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, giảm tỷ lệ nhóm hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan và đẩy mạnh thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến mức 4…

“Điểm mới trong dự thảo Nghị quyết 02 là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trên tinh thần doanh nghiệp là trung tâm, cổ vũ cho sáng tạo, đẩy mạnh tự chủ cho các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt cần phải làm chủ các công nghệ ngoại nhập và tham gia phát triển,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.