Kiều bào là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 4,5 triệu người, tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước.
Kiều bào là cầu nối thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu phụ nữ kiều bào. (Ảnh minh họa: Nguyễn Khang/TTXVN)

Nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW Bộ Chính trị của các cấp ủy Đảng, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, từ đó đề ra chủ trương và các biện pháp lớn về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn tiếp theo; các giải pháp, cơ chế cụ thể triển khai Nghị quyết, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chủ trì và phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức "Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài vào ngày 20-21/5 tới.

Kiều bào - nguồn lực lớn trong phát triển đất nước

Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với khoảng 4,5 triệu người, tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam với các nước. Nguồn lực của kiều bào rất lớn, bao gồm nguồn lực về trí tuệ, chất xám, tài chính và sức lao động...

Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài những năm qua đã đạt được những thành công lớn. Nhiều hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường với nhiều hình thức phong phú như Giỗ Tổ Hùng Vương, tổ chức các đoàn kiều bào tiêu biểu về nước tham gia các hoạt động nhân dịp các ngày lễ lớn. Các chương trình biển đảo giúp bà con kiều bào hiểu rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Từ những hoạt động trại hè hằng năm dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức các hội thảo dành cho các cơ quan truyền thông báo chí trong nước và ngoài nước để tạo cơ hội trao đổi tìm hiểu và giao lưu với mục đích để người làm báo ở hải ngoại thấy được sự phát triển của Việt Nam. Đây cũng là các dịp để những người làm báo trong nước giao lưu trao đổi với người làm công tác truyền thông bên ngoài, tạo ra hiệu ứng rất tốt trong công tác truyền thông và công tác tuyên truyền đối ngoại.

Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tổ chức lớp nghiệp vụ sư phạm cho những người làm công tác giảng dạy tiếng Việt tình nguyện trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều các hoạt động tích cực khác cũng góp phần giúp kiều bào cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như người dân trong nước.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đánh giá cao nguồn kiều hối của kiều bào gửi về trong nước những năm qua. Trong khi tình hình kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các quốc gia có kiều bào sinh sống cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, nhưng bà con vẫn dành những đồng lương, những khoản tiền tiết kiệm được gửi về trong nước để góp phần đầu tư, giúp đỡ gia đình, người thân, đồng thời giúp đất nước có thêm nguồn lực để phát triển.

Năm 2013, theo thống kê của các cơ quan tài chính Việt Nam cũng như quốc tế, Việt Nam là 1 trong 9 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất, năm 2012 con số này đạt 10,5 tỷ USD và năm 2013 vượt mức 11 tỷ USD.

Cầu nối, hỗ trợ cho mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực

Những năm qua, công tác xây dựng, giải quyết chính sách đối với kiều bào; hỗ trợ củng cố, phát triển cộng đồng, hỗ trợ trí thức, doanh nhân kiều bào và động viên khen thưởng các nhân tố tích cực... cũng được triển khai đồng bộ.

Với sự hỗ trợ, động viên từ trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã tham gia tích cực và đẩy mạnh các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển phong trào sử dụng tiếng Việt hướng tới thế hệ trẻ.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng bày tỏ, công tác vận động đoàn kết bà con Việt Nam ở nước ngoài là một trong những mảng công tác được Đại sứ quán tại các nước, cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài-Bộ Ngoại giao rất quan tâm và thúc đẩy.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chính là những nhân tố rất quan trọng làm cầu nối, hỗ trợ cho mối quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với gần 300.000 người, được hình thành từ rất lâu và luôn được củng cố. Đặc thù của người Việt Nam tại Pháp là lực lượng trí thức, bà con đã có nhiều đóng góp cho đất nước.

Những chính sách của Việt Nam đối với kiều bào thời gian qua được cộng đồng người Việt đánh giá rất cao như giữ quốc tịch, chính sách miễn thị thực… đã tạo điều kiện cho bà con trở về quê hương, Tổ quốc đóng góp sức lực của mình trong công cuộc xây dựng đất nước.

Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động mở rộng tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, kể cả những người có quan điểm khác biệt.

Trong công tác vận động trí thức kiều bào, hiện nay hàng năm có khoảng 400 lượt trí thức kiều bào khắp nơi trên thế giới về nước giảng dạy, hợp tác, đóng góp chuyên môn trong nhiều lĩnh vực.

Cơ quan hữu quan trong nước đã tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà khoa học kiều bào tổ chức các hội thảo chuyên ngành như Hội thảo Vật lý Nano tại Quảng Ninh (2012), hội thảo Vật lý thiên văn tại Bình Định (2013). Nhiều ý kiến phản biện tâm huyết và các giá trị khoa học, thực tiễn của trí thức kiều bào đã được tập hợp và chuyền tới lãnh đạo cấp cao.

Nhìn lại 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được những kết quả tích cực về tư duy cũng như hành động trong các cấp, các ngành, trong dư luận nhân dân và kiều bào. Công tác xây dựng chính sách, bảo hộ kiều bào được chú trọng; công tác vận động cộng đồng được tăng cường với nhiều biện pháp chủ động có tính đột phá.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới, xu hướng đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước và đại đoàn kết dân tộc ngày càng tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục