'Kiêu hãnh Trường Sơn': Chân dung những cô gái tuyến đường huyền thoại

Dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sỹ, thanh niên xung phong, cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn đã hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị.
(Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng nghìn hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý… về cuộc chiến trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại đã được tập hợp tại triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn,” vừa khai mạc sáng 16/5 và trưng bày tới hết ngày 15/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

Sự kiện nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959-2019).

[Xúc động ngày gặp lại của những 'trái tim Trường Sơn' anh hùng]

Không gian triển lãm được chia làm ba chủ đề trưng bày: Dấu ấn một huyền thoại; Những bông hồng thép; Phía sau cuộc chiến… đã tái hiện con đường thời gian về Trường Sơn với sự bền bỉ của ý chí, sức mạnh của trái tim, khát vọng của tuổi trẻ và cả những hồn nhiên đời thường…

Triển lãm như thước phim quay chậm tái hiện những khoảng rừng, con suối, chiếc xe, hố bom, những đêm mùa khô thiếu nước hay những ngày lặn ngụp trong mùa mưa đến nỗi cả tháng quần áo chẳng thể khô… để hiểu hơn về lực lượng chiến sỹ đặc biệt: những cô gái trên tuyến đường Trường Sơn.

(Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Dựa trên lời kể cùng chân dung của 60 cựu nữ chiến sỹ, thanh niên xung phong, cuộc sống nơi chiến trường Trường Sơn đã hiện lên đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường chứa đựng nỗi niềm của người con gái nơi chiến trường ác liệt.

Con đường Trường Sơn đã để lại những cái tên làm nên huyền thoại như: 10 cô gái Thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, Tiểu đoàn nữ chiến sỹ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây, Đội nữ chiến sỹ lái xe mang tên người nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh, Tiểu đoàn Vận tải 232 thuộc Cục Hậu cần Quân khu V, hay những cái tên bất tử như Hồ Kan Lịch, La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền, Định Thị Thu Hiệp…

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên từng thán phục: Trên chiến trường Trường Sơn, trên tuyến đường mang tên Bác Hồ vĩ đại có đội ngũ nữ chiến sỹ Trường Sơn “huyền thoại của huyền thoại.” Họ có mặt ở mọi nơi, mọi thời điểm, mọi công tác, mọi binh chủng. Công tác, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mang trên mình khí phách Bà Trưng, Bà Triệu.

Nụ cười ngày ấy-bây giờ của cựu chiến sỹ Trường Sơn Lê Thị Vọng Hương. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Họ là những anh hùng, nhưng cũng là con gái. Cái thời mà mái tóc dài, đen mượt là một trong những chuẩn mực vẻ đẹp của người con gái, vậy mà “vào chiến trường hay bị sốt rét nên tóc rụng hàng ngày, có chị rụng trọc cả đầu. Người khóc, người hoảng sợ nên không dám chải đầu vì từng mảng tóc cứ rời ra.”

Đâu chỉ có vậy, ghẻ lở, sốt rét, bệnh phụ khoa cũng là “đặc sản” trên đất Trường Sơn và cũng chỉ có phụ nữ mới hiểu cái vất vả, khổ sở khi “đến tháng” mà điều kiện không thể đáp ứng...

[Trường Sơn huyền thoại: Nỗi niềm của những nữ nhân 'chân đồng vai sắt']

Vào chiến trường, bom đạn, cái chết các chị không sợ, nhưng lại sợ vắt, sợ xấu, sợ ma khi hành quân trong bóng đêm hay phát khóc khi gặp trăn trong lúc đi hái rau rừng. Ở nơi ấy, các “nữ nhi” đã phải trải qua nhiều cảm xúc lên tới đỉnh điểm của những yêu thương, căm thù, ám ảnh, mất mát, sợ hãi, kiên cường…

Và hôm nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng trong trái tim họ vẫn ngời sáng một niềm “Kiêu hãnh Trường Sơn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục