Kim ngạch thương mại song phương Đức-Nga tăng trở lại sau 4 năm

Số liệu do Cục Thống kê liên bang Đức công bố cho biết ngoại thương của Đức với Nga đã đạt tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong năm 2017 sau 4 năm thuyên giảm.
Kim ngạch thương mại song phương Đức-Nga tăng trở lại sau 4 năm ảnh 1Tàu chở container bỏ neo tại cảng ở Hamburg, thành phố phía bắc Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Số liệu do Cục Thống kê liên bang Đức công bố ngày 5/3 cho biết ngoại thương của Đức với Nga đã đạt tăng trưởng trở lại lần đầu tiên trong năm 2017 sau 4 năm thuyên giảm.

Theo số liệu được công bố, trong năm 2017, Đức xuất khẩu số hàng hóa trị giá 25,9 tỷ euro (32 tỷ USD) sang Nga, trong khi nhập khẩu số hàng hóa trị giá gần 32 tỷ euro từ Nga. So với năm 2016, xuất khẩu của Nga trong năm ngoái đã tăng 20,2%, trong khi nhập khẩu từ Nga cũng tăng 18,7%.

Nga là một trong số nền kinh tế mà Đức có thâm hụt thương mại. Trong năm 2017, thâm hụt thương mại của Đức với Nga đã tăng lên 5,6 tỷ euro.

Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD, trong đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức khoảng 50% so với con số thiệt hại của EU.

[Tổng thống Nga Putin mong muốn cải thiện quan hệ với Đức]

Tính tới tháng 9/2017, nền kinh tế EU thiệt hại trên 100 tỷ USD, trong khi tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Nga ở mức khoảng 55 tỷ USD.

Đây là kết luận được phóng viên TTXVN tại Nga trích dẫn trong trong một báo cáo đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người.

Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến các công ty Đức đang hoạt động ở Nga, Phòng Thương mại Nga-Đức cho biết có tới 97% đại diện doanh nghiệp Đức đánh giá tiêu cực về gói biện pháp trừng phạt Nga mới của Mỹ, trong khi đó chỉ 3% số người được hỏi có ý kiến ngược lại.

Mặc dù lo ngại những hậu quả trực tiếp cũng như gián tiếp đối với hoạt động kinh doanh của mình, song 3/4 số người được hỏi (72%) có kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Nga ở mức như trước đây, trong khi đó, không ít công ty (15%) thậm chí còn lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động và tăng cường đầu tư vào thị trường Nga.

Trong chuyến thăm Nga hồi cuối tháng 10/2017, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cùng người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin đồng tuyên bố sẽ cùng nỗ lực phát triển quan hệ song phương.

Tổng thống Putin cho biết cho dù đang đối mặt với những khó khăn chính trị, song quan hệ Nga-Đức không "giậm chân tại chỗ" và hai bên nhất trí sẵn sàng cùng nhau phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương.

Theo ông Putin, kim ngạch thương mại hai chiều sụt giảm phần lớn liên quan đến những bất đồng chính trị, song Đức vẫn là một trong những đối tác kinh tế nước ngoài hàng đầu của Nga và nhà đầu tư chủ chốt vào nền kinh tế Xứ sở Bạch dương.

Hiện có hơn 5.500 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Nga với tổng doanh thu vượt 50 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.