Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Kiên Giang đạt gần 330 triệu USD

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 329,76 triệu USD, tăng 1,14% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu gạo đạt hơn 94 triệu USD.

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 329,76 triệu USD, bằng 38,34% kế hoạch năm và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số đó, xuất khẩu gạo đạt hơn 94 triệu USD, hàng rau quả 1,89 triệu USD, hải sản trên 90 triệu USD, giày da hơn 76 triệu USD, hàng khác 67,16 triệu USD.

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho hay doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh có nhiều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tăng cường hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Một số thị trường xuất khẩu đã dần phục hồi, số lượng đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp ổn định, tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất. Doanh nghiệp đã chủ động và có giải pháp kinh doanh phù hợp, triển khai kịp thời các hợp đồng với đối tác.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp mặc dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm, cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu... Mặt khác, giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và cước phí vận chuyển không ổn định dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và sức tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tín hiệu tốt trong hoạt động xuất khẩu của Kiên Giang là gạo trong tháng Năm này đạt hơn 23 triệu USD, tăng gần 54% so với tháng cùng kỳ năm trước, đạt trên 50% kế hoạch năm 2023. Thị trường xuất khẩu gạo của tỉnh khá ổn định, giá xuất khẩu bình quân 545 USD/tấn, tăng gần 9% so bình quân cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống Philippines, Trung Quốc hồi phục, tăng sức mua trở lại và xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội mở ra từ các thị trường tiềm năng như Malaysia, Indonesia, châu Phi, Cuba và Iraq, khi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tăng nhập khẩu lương thực.

Mặc dù vậy, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh, dự báo xuất khẩu gạo còn không ít khó khăn, thách thức trong thời gian tới do cạnh tranh và chi phí đầu vào tăng, biến động kinh tế thế giới khó lường, ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, chi phí logistics tăng, tỷ giá ngoại tệ không ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đặt ra là 860 triệu USD, tỉnh Kiên Giang tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Cụ thể là ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường mới, tiềm năng.

[Số doanh nghiệp thành lập mới tại tỉnh Kiên Giang giảm 18%] 

Ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu, tín dụng, công nhân lao động… để kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Kiên Giang, tổ chức thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) năm 2023, triển khai Chỉ thị số 38/CT-TTg về tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực.

Ngành chức năng tỉnh thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến, cung cầu hàng hóa trên thị trường thế giới, thông tin các quy định về hội nhập kinh tế quốc tế và các điều kiện, thông tin thị trường xuất nhập khẩu hỗ trợ các doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang tổ chức sản xuất vụ lúa Hè Thu 279.350ha, phấn đấu sản lượng thu hoạch đạt 1,6 triệu tấn và vụ lúa Thu Đông 71.200ha, sản lượng hơn 382.600 tấn theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng chất lượng sản phẩm nông sản để cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gạo.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh xuống giống gần 170.000ha, đạt hơn 70% kế hoạch, tập trung ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Giồng Riềng, Châu Thành, Tân Hiệp, Hòn Đất, Gò Quao, Vĩnh Thuận và thành phố Rạch Giá.

Mặt khác, ngành thủy sản tỉnh tổ chức sản xuất nuôi tôm nước lợ năm 2023 với tổng diện tích 137.430ha, phấn đấu sản lượng tôm nuôi thu hoạch đạt 120.500 tấn để cung ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thủy sản.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm hơn 131.760ha, đạt hơn 95% kế hoạch, với 3 loại hình, gồm nuôi tôm công nghiệp, quảng canh-quảng canh cải tiến, tôm-lúa, sản lượng tôm thu hoạch đến nay khoảng 48.300 tấn, đạt trên 40% kế hoạch, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.