Kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng của Việt Nam tăng hơn 14%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 8/2018 ước đạt 346 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng qua đạt 2,7 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả 8 tháng của Việt Nam tăng hơn 14% ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 8/2018 ước đạt 346 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng qua đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 7 tháng qua, rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn đứng đầu, chiếm 74% thị phần và giá trị đạt 1,7 tỷ USD, tăng 12,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Thái Lan, tăng 38,6%, Hoa Kỳ tăng 19,3%, Hàn Quốc tăng 18,7%...

Cũng trong tháng 8, ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả đạt 224 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu rau quả 8 tháng qua đạt 1,15 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017.

[Gần 74% giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam hướng sang Trung Quốc]

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, nhưng dự báo năm nay giá trị xuất khẩu rau quả sẽ đạt 4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với một loạt các vấn đề về cạnh tranh thị trường, các biện pháp bảo hộ thông qua những rào cản kỹ thuật khắt khe hơn ở các thị trường nhập khẩu. Do đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần đẩy mạnh việc phổ biến, tư vấn, đào tạo doanh nghiệp về áp dụng tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá của các thị trường nước ngoài. Cùng với đó, khắc phục các tồn tại trong vấn đề an toàn thực phẩm, quy cách bao gói, nhãn hiệu... đối với mặt hàng rau quả.

Tại thị trường trong nước, năm nay quả nhãn được đánh giá là "được mùa" với thời điểm thu hoạch là tháng 8/2018. Hiện, giá nhãn lồng loại I đang ở mức 30.000 đồng/kg cung cấp cho hệ thống siêu thị, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu, còn giá nhãn bán cho thương lái hái xô chỉ dao động từ 10.000-12.000 đồng/kg, tuỳ theo chất lượng nhãn.

Đồng thời, tháng qua cũng là thời điểm thu hoạch của vụ na 2018. Tại Lạng Sơn có hơn 3.000 ha trồng na tập trung chủ yếu tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; tổng sản lượng ước đạt 30.000-32.000 tấn, trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng; giá na trung bình hiện khoảng 40.000 đồng/kg.

Trong tháng qua, nhiều vùng trồng cam xoàn nghịch vụ tại một số tỉnh miền Tây được giá với mức dao động từ 26.000 - 32.000 đồng/kg.

Thị trường rau củ tại Lâm Đồng diễn biến tương đối ổn định và chỉ tăng nhẹ đối với một số loại so với tháng trước mặc dù thời tiết mưa nhiều diễn ra tại một số điểm cung ứng rau. Cụ thể, bắp cải trắng và bắp cải tím tăng lên mức tương ứng là 3.500 đồng/kg và 12.000 đồng/kg; hành tây tăng 3.000 đồng/kg lên mức giá 10.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, tình trạng rau quả Trung Quốc trà trộn giả hàng Đà Lạt vẫn tiếp tục xảy ra khiến giá rau quả tại đây không thể khởi sắc.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sẽ có thể khó khăn hơn về nguồn cung bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão đang tới. Ngoài ra, trong nước đang vào vụ thu hoạch của một số loại trái cây như nhãn, na cần chú y các hoạt động xúc tiến thương mại giúp các địa phương tiêu thụ hết các sản phẩm, tránh tình trạng giá giảm sâu gây thiệt hại cho nông dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.