Kim ngạch xuất khẩu vùng ĐB sông Cửu Long đạt 1,1 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,1 tỷ USD

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,1 tỷ USD trong tháng 1, bằng 7,6% kế hoạch.
Kim ngạch xuất khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,1 tỷ USD ảnh 1Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong tháng 1/2016, các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu đạt 1,09 tỷ USD, bằng 7,6% kế hoạch.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng là thủy sản, gạo, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ... Năm 2016, toàn vùng có kế hoạch xuất khẩu đạt 14,34 tỷ USD, tăng 1,14 tỷ USD so với năm 2015.

Để đạt được kế hoạch xuất khẩu nói trên, ngay từ đầu năm, các tỉnh trong vùng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và giá trị các mặt hàng xuất khẩu. Các địa phương đã giao cho ngành công thương tăng cường lập kế hoạch cụ thể từng danh mục sản phẩm xuất khẩu theo từng tháng, từng quý, rà soát nhu cầu thị trường, tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới.

Đặc biệt, các tỉnh rất quan tâm trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh như: tăng cường cải cách thủ tục hành chính, quan tâm đầu tư cho vay vốn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành để tăng khả năng cạnh tranh...

Hàng tháng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh đều tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp từ 1-2 lần để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của vùng là gạo và thủy sản nhưng thời gian qua, cả 2 mặt hàng nói trên đều có xu hướng xuất khẩu sụt giảm cả về giá trị và sản lượng do phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa các nước trong khu vực đồng thời bị ảnh hưởng của việc áp thuế chống phá giá, các rào cản kỹ thuật, nhất là đối với các mặt hàng thủy sản chế biến...

Để tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chế biến trong thời gian tới, các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân cũng như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần tuân thủ nghiêm các biện pháp kỹ thuật, các quy định về việc sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa gạo và trong nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, kiên quyết không để dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn còn tồn đọng trong sản phẩm.

Năm 2015, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã xuất khẩu được 13,2 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.