Lạm phát toàn cầu đang phả hơi nóng vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế khiến nhu cầu hàng hóa giảm, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu gián đoạn và chi phí sản xuất tăng.
Cùng đó, biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tạo ra tác động nhiều chiều tới hoạt động thương mại. Điều này đã tạo ra không ít khó khăn lớn cho sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa kế hoạch hành động để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.
Chủ động thích ứng
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 9/2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 12,75 tỷ USD. Như vậy, tính chung từ đầu năm đến ngày 15/9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 265,34 tỷ USD, tăng 17,82% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 40 tỷ USD.
Nhận định về tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục đạt 2 con số, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương chỉ ra yếu tố thuận lợi lớn nhất giúp hoạt động xuất nhập khẩu đạt được thành tích đó là việc sớm mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế từ quý 4/2021; trong đó, các ngành sản xuất, dịch vụ đã tranh thủ đáp ứng các yêu cầu của thị trường thế giới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã góp phần giúp doanh nghiệp có được thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi hơn.
Hơn nữa, dù lạm phát cũng khiến nhu cầu về tiêu dùng của nhiều thị trường thắt chặt hơn nhưng việc Việt Nam xuất siêu là một yếu tố rất tốt để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như tạo động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ giá biến động chắc chắn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép của đồng USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu.
[Thương mại hồi phục mạnh mẽ, khu vực FDI xuất siêu hơn 23 tỷ USD Theo các chuyên gia, nỗ lực]
Theo ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại thuộc Bộ Công Thương, kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu phục hồi bởi Chính phủ có các chương trình phục hồi và ưu tiên cho các ngành xuất khẩu và doanh nghiệp cũng bắt đầu hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi thì xuất khẩu cũng đối diện với những khó khăn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng nhiều đến giá cả, chi phí, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Cùng với sự gia tăng của giá năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng rất mạnh.
Ngoài ra, Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt chính sách “Không COVID” không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế sản xuất, kinh tế Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Hai sự kiện này và nhiều yếu tố khác nữa đã đẩy lạm phát của các nước lên rất cao, như tại Hoa Kỳ, EU lên tới con số gần 10% - cao nhất trong hơn 40 năm nay.
Lạm phát tăng cao khiến nhiều nước phải sử dụng công cụ nâng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát. Những việc này đã đẩy các nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái và tác động trước mắt là làm cho tiêu dùng giảm là nguyên nhân khiến đơn hàng cho Việt Nam giảm.
Chia sẻ về đơn hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ do tỷ lệ lạm phát tăng cao, nền kinh tế Hoa Kỳ dự kiến tăng trưởng chậm trong quý 3 và quý 4/2022 nên nhu cầu mua sắm thời trang giảm. Dự báo đơn hàng trong những tháng tới có thể giảm do tỷ lệ hàng tồn kho của thị trường này cao.
Cùng đó, diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên, phụ liệu liên tục tăng cao đang bào mòn lợi nhuận, sức chống chịu của doanh nghiệp.
Khó khăn hiện nay mà nhiều doanh nghiệp nhất là dệt may và da giày gặp phải đến từ tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu...
Đáng lưu ý, đơn hàng trong các tháng 11 và 12/2022 chưa rõ nhưng lợi nhuận quý 3 này của ngành may dự báo sẽ giảm 25-30% so với quý 2 vừa qua.
Còn theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lạm phát và đồng USD tăng giá đang đè nặng lên khả năng tiêu thụ thủy sản tại các thị trường, nhất là những thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Anh…
Cùng với khó khăn về nguyên liệu, tỷ giá, lạm phát sẽ khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm không thể duy trì được tăng trưởng cao như nửa đầu năm.
Tuy nhiên, thủy sản vẫn lạc quan vào con số xuất khẩu thủy sản trên 10 tỷ USD cho năm 2022, khi toàn ngành đã thu về được gần 6,7 tỷ USD trong 7 tháng qua.
Giải pháp trọng tâm
Đánh giá về tình hình các tháng cuối năm nay, đại diện Vinatex cho rằng, chỉ số giá nguyên liệu nhập khẩu tăng 11,2%, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,5%; biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất bị bào mòn đáng kể.
Cùng đó là nguy cơ giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng dù đã ký kết có khả năng xảy ra rất cao do diễn biến kinh tế không thuận lợi ở các thị trường chính, lạm phát cao dẫn đến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu.
Để tận dụng hiệu quả các giải pháp xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu bền vững, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai.
Các chuyên gia cũng dự báo cơ hội của xuất khẩu năm nay sẽ song hành cùng thách thức bởi lạm phát, suy thoái còn nhiều bất định, nhất là tại châu Âu và Hoa Kỳ.
Hơn nữa, mức độ kéo dài của khó khăn còn phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia cũng như tính đúng đắn trong điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.
Theo ông Trần Thanh Hải, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7-8%.
Tuy nhiên, kết quả này có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà những thách thức, rủi ro vẫn còn và có thể tác động đến thị trường.
Đặc biệt, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa chấm dứt có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng và việc suy thoái của một số thị trường cũng ảnh hưởng đến nhu cầu và tác động đến hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường này.
Tại thời điểm này thì mức tăng trưởng của nhiều ngành hàng; trong đó, có ngành dệt may khá tốt. Dệt may cũng là ngành đang kỳ vọng có những bứt phá và đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 45 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, thực tế, với tình trạng có thể suy thoái và lạm phát ở một số thị trường thì dệt may và tiêu dùng nói chung là nhóm hàng mà có thể thuộc diện thắt chặt chi tiêu cũng như giảm bớt nhu cầu. Hiện nay, đây chính là thách thức lớn đối với ngành dệt may nói riêng và với nhiều ngành khác.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều yếu tố rủi ro khác, như vấn đề về thị trường, dịch bệnh, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường, dễ tác động bất ngờ, gây ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Trước những khó khăn này, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn đang rất tích cực vào cuộc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung trong các ngành hàng. Chẳng hạn như tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản qua biên giới Trung Quốc; mở cửa thị trường; chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, vừa qua, đã có hai sản phẩm là sầu riêng và chanh leo đã được Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch. Các mặt hàng khác như gạo, thủy sản, cà phê, hồ tiêu… cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương xác định trong những tháng cuối năm sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng cam kết trong các FTA đã ký kết.
Bên cạnh đó, thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới...
Ở góc độ doanh nghiệp, cần tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ những quy định, chính sách của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ngành trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, quy trình quy định, yêu cầu điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định những tháng cuối năm sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Đặc biệt, việc tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)./.