Kinh tế Ai Cập không chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi vụ tấn công đền thờ

Do diễn ra tại một địa điểm biệt lập, cách xa các khu du lịch lớn và trung tâm kinh tế của Ai Cập, vụ tấn công không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch và đầu tư nói chung.
Kinh tế Ai Cập không chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi vụ tấn công đền thờ ảnh 1Khói bốc lên nghi ngút tại hiện trường vụ tấn công đền thờ Al Rawdah. (Nguồn: Terris/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn lời các chuyên gia kinh tế khẳng định nền kinh tế Ai Cập không chịu tác động tiêu cực nào sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào một đền thờ Hồi giáo tại tỉnh Bắc Sinai của nước này hồi tuần trước.

Do diễn ra tại một địa điểm biệt lập, cách xa các khu du lịch lớn và trung tâm kinh tế của Ai Cập, vụ tấn công không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động du lịch và đầu tư nói chung.

Ngày 27/11, chuyên gia kinh tế cao cấp của ngân hàng đầu tư khu vực Arqaam Capital, Reham Eldesoki, cho biết vụ tấn công sẽ không gây ảnh hưởng tới khách du lịch châu Âu hay bất kỳ loại hình du lịch nào khác do địa điểm xảy ra khá xa so với khu vực Nam Sinai, địa điểm du lịch nổi tiếng trên Biển Đỏ của Ai Cập. Ông này cũng cho biết Ai Cập đã áp dụng cơ chế đảm bảo cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ chuyển đổi từ đồng bảng Ai Cập ra ngoại tệ nếu có nhu cầu. Điều này cũng khiến tỷ giá hối đoái ổn định và rủi ro kinh tế ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Nhờ cơ chế này, kể từ khi đồng bảng Ai Cập bị thả nổi, các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng số lượng nắm giữ trái phiếu của Ai Cập lên mức hơn 330 tỷ bảng Ai Cập (tương đương 18,6 tỷ USD). Do vậy, cuộc tấn công ở Bắc Sinai cũng sẽ ảnh hưởng rất ít đến việc đầu tư trực tiếp dài hạn.

[An ninh và khủng bố đang là thách thức lớn nhất tại Ai Cập]

Trong khi đó, quan chức một công ty du lịch lớn tại Ai Cập cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá những tác động của cuộc tấn công cuối tuần trước. Thông thường sau các vụ tấn công, số lượng khách du lịch hủy tour sẽ tăng và số lượng khách tour cũng giảm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều biến động trong tỷ lệ đặt tour.

Một phát ngôn viên của Thomas Cook cũng phát biểu rằng không có tác động đáng kể nào đối với nhu cầu nghỉ lễ tại Ai Cập và lượng khách đặt tour tới quốc gia Bắc Phi có xu hướng tăng so với năm ngoái, bất chấp vụ khủng bố mới đây.

Trong tháng này, một nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hoàn thành đánh giá lần thứ 2 về các cải cách kinh tế của Ai Cập nhằm chuẩn bị cho việc thông qua khoản giải ngân tiếp theo trị giá 2 tỷ USD trong gói vay 12 tỷ USD với thời hạn 3 năm.

Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư Pharos Holdings Angus Blair dự báo các thành viên hội đồng quản trị IMF chắc chắn sẽ thông qua kế hoạch giải ngân tiếp theo và sự kiện tại Bắc Sinai có thể sẽ củng cố quan điểm của hội đồng quản trị IMF là "Ai Cập cần được tiếp tục hỗ trợ thêm."

Ngành du lịch Ai Cập đang dần phục hồi kể từ cuộc chính biến năm 2011 và sau vụ tai nạn máy bay chở khách của Nga tại Bán đảo Sinai vào năm 2015 khiến tất cả 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Cơ quan Thống kê nhà nước Ai Cập (CAPMAS) cho biết 826.000 lượt du khách đã đến thăm Ai Cập trong tháng 10, cao nhất trong 2 năm qua. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức 1,49 triệu lượt khách tới Ai Cập cùng thời điểm cách đây 7 năm.

Ngày 24/11 vừa qua, các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phát động một cuộc tấn công bằng bom và xả súng vào đền thờ Hồi giáo ở khu vực Al-Rawda, thành phố Bir al-Abed ở tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập, cướp đi sinh mạng của ít nhất 304 người và làm bị thương hơn 120 người khác, gây ra thảm họa khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của Ai Cập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.