Kinh tế Australia đủ mạnh để đối phó với sự sụt giảm từ Trung Quốc

Bộ trưởng Ngân khố Australia Joe Hockey ngày 8/9 khẳng định kinh tế Australia đủ mạnh để đối phó với những ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.
Kinh tế Australia đủ mạnh để đối phó với sự sụt giảm từ Trung Quốc ảnh 1Toàn cảnh trung tâm thương mại tại thành phố Sydney ngày 5/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Ngân khố Australia Joe Hockey ngày 8/9 khẳng định kinh tế Australia đủ mạnh để đối phó với những ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông dự Hội nghị Bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), Bộ trưởng Joe Hockey cho rằng nhiều mối lo ngại về kinh tế Trung Quốc đang bị “thổi phồng” và Australia có thể đối phó với bất kỳ biến động nào từ nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Joe Hockey, dù tăng trưởng kinh tế của Australia trong quý vừa qua chỉ đạt 0,2%, yếu hơn nhiều so với những dự đoán đưa ra trước đó, nhưng tỷ lệ việc làm ở Australia vẫn tăng mạnh.

Ông cũng cho biết Chính phủ Australia ước đoán thâm hụt tài chính năm 2015-2016 dự kiến là 35,1 tỷ AUD, tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Ông Hockey bày tỏ tin tưởng rằng kinh tế Australia có thể trở lại mức tăng trưởng 3,5% trong tài khóa 2018-2019.

Theo số liệu công bố tuần trước, kinh tế Australia trong quý II chỉ tăng 0,2%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, chủ yếu do xuất khẩu, vốn phụ thuộc phần lớn vào đối tác buôn bán chính của nước này là Trung Quốc, giảm mạnh.

Trong khi đó, tỷ giá đồng đôla Australia (AUD) so với USD cũng giảm, đã xuống dưới mức 0,70 USD đổi 1 AUD hôm 4/9 và là mức thấp nhất trong 6 năm qua.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G-20, ông Hockey nhận định rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ còn giảm nhiều hơn so với hiện nay nếu lãnh đạo các nước trên thế giới không nhất trí thực hiện mục tiêu tăng trưởng thêm 2% đưa ra tại Hội nghị Brisbane theo sáng kiến của Australia.

Ông cho biết các nhà lãnh đạo trên thế giới đều bày tỏ sự thất vọng khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2015 xuống 3,3%.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane năm 2014, lãnh đạo các nước đã nhất trí theo đuổi một “mục tiêu tham vọng” nhằm nâng GDP của G-20 thêm 2% vào năm 2018, giúp tăng thêm 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới.

Để đạt mục tiêu này đòi hỏi các nước phải đưa ra những quyết định khó khăn về cải cách cơ cấu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.