Nền kinh tế biển xanh có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Một phần của thách thức đối với việc quản lý đại dương là thúc đẩy lợi ích của nhiều mục tiêu phát triển bền vững từ các lĩnh vực biển.
Vì vậy, việc thiết lập các chính sách và quy định phù hợp sẽ giúp lấp đầy các tiềm năng còn bỏ ngỏ trong phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam.
Cơ hội và thách thức
Tiến sỹ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định, thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay vẫn chưa bền vững.
Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi tại các vùng biển và ven biển còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước có tiềm lực khoa học-công nghệ biển thấp, hơn nữa, công nghệ sản xuất “xanh” lại là loại công nghệ mới, giá đắt nên doanh nghiệp khó tiếp cận.
Sự hạn chế về tiềm lực kinh tế và khoa học-công nghệ biển dẫn đến công tác điều tra, thăm dò tài nguyên biển còn yếu và thiếu; nguồn nhân lực thiếu trong sản xuất các loại thiết bị truyền thống phục vụ phát triển kinh tế biển như đóng tàu, xây dựng bến cảng…
Bên cạnh những khó khăn, hạn chế, kinh tế biển xanh Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển. Theo ông Lưu Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới giúp thúc đẩy sự phát triển chung của các nước, trong đó có Việt Nam.
Thế giới xem thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương với cách tiếp cận mới, trong đó nhấn mạnh yếu tố phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời thích ứng tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu.
Các quốc gia đi tiên phong trên thế giới đã đưa ra những chương trình phát triển kinh tế xanh nói chung và kinh tế biển xanh nói riêng, trong đó nhấn mạnh đến các nội dung sản xuất xanh, công nghiệp xanh-sử dụng các công nghệ kỹ thuật sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm bớt ô nhiễm môi trường; tiêu dùng xanh-xây dựng lối sống xanh, bảo vệ và sống hài hòa với môi trường thiên nhiên.
Bên cạnh đó, lĩnh vực khoa học-công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng để thực hiện phát triển kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển hiệu quả.
Các quốc gia trên thế giới đang tiến rất nhanh trong việc sáng tạo công nghệ phát triển kinh tế biển xanh. Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học-công nghệ để phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới cũng đem lại cơ hội tốt cho tất cả quốc gia có biển, trong đó có Việt Nam.
Phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh
Từ thực tế kinh nghiệm thế giới về phát triển kinh tế biển xanh và trên cơ sở nhu cầu phát triển bền vững kinh tế biển quốc gia, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung Nghị quyết khẳng định phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước...
Nghị quyết 36-NQ/TW cũng nêu rõ mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững đến năm 2030 gồm các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước.
Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển…
Nghị quyết 36-NQ/TW cũng xác định các khâu đột phá là hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển.
Đồng thời, phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao.
Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc-Nam, Đông-Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.
Tại hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra những cam kết khí hậu và các quy định môi trường chặt chẽ khi công bố mục tiêu khí hậu của Việt Nam đạt trung hòa carbon vào năm 2050. Theo đó, định hướng của Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh và bền vững, không thỏa hiệp với chất lượng môi trường và hệ sinh thái.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ khoa học Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, để phát triển kinh tế biển xanh đòi hỏi tiếp tục cải cách thể chế như xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế biển trên cơ sở tư duy phát triển kinh tế biển xanh nhằm xác định những định hướng cơ bản, lâu dài cho việc khai thác tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, đảm bảo phát triển các ngành kinh tế biển một cách bền vững; thống nhất trong quản lý phát triển kinh tế biển giữa các bộ, ngành, cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương; tăng cường xây dựng hệ thống thông tin tài nguyên, môi trường và thông tin kinh tế biển.
Phát triển kinh tế biển xanh là một định hướng quan trọng trong số các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, để hướng đến mục tiêu cao hơn như mục tiêu cam kết trung hòa carbon vào năm 2050, cần tận dụng tốt các cơ hội để vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo vệ được tài nguyên biển cho sự phát triển của tương lai./.