Việt Nam hướng tới xây dựng Nhóm đối tác Kinh tế biển xanh

Mô hình Kinh tế biển xanh có mục đích cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể rủi ro về môi trường và sự khan hiếm sinh thái.
Nuôi cá lồng bè trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
Nuôi cá lồng bè trên vùng biển An Thới, thành phố Phú Quốc. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo Xây dựng Nhóm đối tác Kinh tế biển xanh theo hình thức trực tuyến.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm cho biết, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới và nhóm chuyên gia xây dựng Báo cáo đề xuất thành lập Nhóm đối tác Kinh tế biển xanh nhằm huy động sự tham gia của các bên liên quan, góp phần hướng tới quản lý hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam.

Diễn đàn Kinh tế biển xanh Việt Nam là sự kiện thường niên, là một trong những sự kiện quan trọng của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

Diễn đàn giúp cộng đồng hiểu rõ về tiềm năng, sự thịnh vượng và thách thức trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế biển, thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tạo cơ sở để trao đổi thông tin, đối thoại chính sách nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách những thông tin hữu ích để tích hợp vào quá trình ra quyết định.

Hội thảo giới thiệu về Dự thảo Báo cáo xây dựng mạng lưới đối tác về phát triển kinh tế biển tại Việt Nam, bao gồm mục tiêu, nội dung đề xuất và kết quả dự kiến cũng như Quy trình thiết lập Mạng lưới đối tác.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin về các chương trình, dự án trong lĩnh vực kinh tế biển xanh.

Chuyên gia Nguyễn Thị Thọ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhận định, Kinh tế biển xanh là một khái niệm mới về khuyến khích quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên biển hoặc đại dương của chúng ta.

Mô hình Kinh tế biển xanh có mục đích cải thiện phúc lợi của con người và công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể rủi ro về môi trường và sự khan hiếm sinh thái.

Ngân hàng Thế giới định nghĩa Kinh tế biển xanh bao gồm nhiều lĩnh vực kinh tế, các chính sách liên quan cùng xác định xem việc sử dụng nguồn tài nguyên biển có bền vững hay không.

Kinh tế biển xanh mang lại khả năng cải thiện hiệu quả trong quản lý đất đai và biển đảo, xử lý, quản lý tốt hơn các hệ sinh thái biển, là một mô hình công bằng hơn về các tiêu chuẩn y tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế xã hội, giảm lượng khí thải và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

[Bộ trưởng GTVT: 'Trải thảm' mời các nhà đầu tư vào làm cảng biển]

Ông Denish Ryal, đại diện của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Canada đã xây dựng Nhóm Công tác Đối tác Phát triển về Nhựa tại Việt Nam với mục tiêu tăng cường sự phối hợp, bổ sung, gắn kết các nỗ lực của các Đối tác Phát triển nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam về giảm sử dụng nhựa dùng một lần, ngăn ngừa ô nhiễm nhựa, quản lý nhựa bền vững.

Việt Nam hướng tới xây dựng Nhóm đối tác Kinh tế biển xanh ảnh 1Cảng Bắc Vân Phong là khu vực có vị trí chiến lược về kinh tế, có lợi thế so sánh về vị trí địa lý để phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Nhóm Công tác sẽ chia sẻ thông tin, cập nhật về hỗ trợ Việt Nam liên quan đến vấn đề rác thải nhựa; điều phối các hoạt động đối thoại, vận động chính sách về các vấn đề nhựa biển giữa các Đối tác Phát triển và Chính phủ Việt Nam, bao gồm cả khả năng thông qua việc xây dựng một nền tảng đối thoại chính sách với Chính phủ; chuẩn bị, tổ chức các hội thảo liên quan đến các giải pháp nhựa, bao gồm các sự kiện đa bên; xem xét việc thông qua các lựa chọn cho một sự kiện Nhựa và Tuần hoàn hàng năm...

Mục tiêu tổng quan của khuôn khổ Đối tác cho Kinh tế biển xanh tại Việt Nam hướng tới việc quản lý hiệu quả sự phát triển Kinh tế biển xanh ở Việt Nam thông qua nâng cao cơ sở kiến thức, chia sẻ thông tin, huy động nguồn lực, hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan nhằm giảm thiểu nguồn tài nguyên biển suy thoái và tổn thất hệ sinh thái, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo tồn, cải thiện sinh kế của người dân trong các lĩnh vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.