Kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh trong năm 2014 và 2015

Theo báo cáo thường niên có tựa đề "Triển vọng kinh tế tại châu Phi," kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 4,8% năm nay và 5,7% trong năm 2015.
Kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh trong năm 2014 và 2015 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo báo cáo thường niên có tựa đề "Triển vọng kinh tế tại châu Phi," do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Phi (BAD) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp thực hiện và công bố ngày 19/5, kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 4,8% năm nay và 5,7% trong năm 2015.

Báo cáo cho biết mức tăng trưởng kể trên gắn liền với nền kinh tế châu lục đa dạng hơn, được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa, cơ sở hạ tầng, sản xuất và thương mại ngày càng gia tăng trên khắp lục địa.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng có một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới dự báo tăng trưởng này. Trước hết là do tình hình địa chính trị.

Ba năm sau "Mùa xuân Arab" ở Ai Cập, Libya và Tunisia, sự ổn định chính trị trong khu vực chưa được khôi phục hoàn toàn. Tiếp đến là tình hình ở Mali và Cộng hòa Trung Phi. Đối với ba tổ chức nói trên, đó là những thách thức lớn nhất mà lục địa này phải đối mặt.

Nếu như xuất khẩu châu Phi thu lợi (tăng 6,1%) do giá tăng nhanh thì nhập khẩu cũng tăng gấp đôi (13,8% mỗi năm).

Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn bị chi phối do hàng hóa xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp, và kim ngạch xuất khẩu của châu Phi chỉ chiếm 3,5% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thế giới.

Ba tổ chức nói trên cho rằng để có được một bước đột phá, châu Phi cần phải tranh thủ nhiều hơn nữa từ các thị trường quốc tế và phải tránh bị sa lầy trong các hoạt động có giá trị gia tăng thấp. Theo đó, ba tổ chức đề nghị châu Phi nên đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển kỹ năng, tạo việc làm, sở hữu các công nghệ mới, kiến ​​thức và thông tin.

Báo cáo dẫn tuyên bố của Giám đốc Trung tâm Phát triển của OECD Mario Pezziini nêu rõ: "Với dân số năng động, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng cùng vô số các tài nguyên thiên nhiên, các nền kinh tế châu Phi có cơ hội tuyệt vời để phát triển"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.