Kinh tế suy giảm khiến người dân phải đối mặt với những khó khăn về tài chính và phải xem xét lại các vấn đề về tiêu dùng. Trên cơ sở đó, kinh tế chia sẻ đã ra đời và phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình mới mẻ.
Phục hồi cao hơn nhờ kinh tế chia sẻ
Trên thị trường, các hình thức việc làm mới dần xuất hiện, như kinh tế chia sẻ, kinh tế tiếp cận, kinh tế theo yêu cầu, kinh tế hợp tác, kinh tế việc làm tự do...
Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến “làn sóng” người lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ khu vực chính thức sang phi chính thức, tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ từ xa trên web và các ứng dụng trực tuyến.
[Hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển kinh tế đô thị xanh và bền vững]
Tại Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/11, bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại, Công ty Grab Việt Nam chỉ ra các nền tảng số đã giúp các doanh nghiệp, thương nhân dễ dàng phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến và giao nhận.
Theo "Báo cáo kinh tế nền tảng - Chất xúc tác cho sự tăng trưởng số tại khu vực Đông Nam Á" của Viện nghiên cứu Công nghệ vì cộng đồng - Công ty Nghiên cứu Bain & Company, nền tảng số giúp 89% doanh nghiệp mở rộng nền tảng cơ sở khách hàng và 84% doanh nghiệp có doanh số bán hàng trên mỗi khách hàng cao hơn, theo đó 71% doanh nghiệp cho biết đã đạt lợi nhuận cao hơn.
Quan trọng hơn, 65% doanh nghiệp cho hay có khả năng phục hồi cao hơn sau đại dịch COVID-19 nhờ có kinh tế chia sẻ.
Bà Trang cho biết kinh tế chia sẻ không chỉ tạo thêm cơ hội gia tăng thu nhập mà còn mở ra thị trường lao động mới, linh hoạt, từ đó tạo động lực tăng trưởng và tăng năng suất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME). Trên thực tế, kinh tế chia sẻ khẳng định tính ưu việt về tiết kiệm tài nguyên, nguồn lực đồng thời giảm thiểu chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế. Hơn nữa, việc sử dụng các nền tảng ứng dụng góp phần tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế, từ đó hỗ trợ cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý và điều hành.
'Chỉ mặt' thách thức
Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ đang gặp những thách thức mới, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp thúc đẩy nền kinh tế số nói chung và thúc đẩy an sinh xã hội cho cá nhân kinh doanh tham gia kinh tế chia sẻ nói riêng.
Cụ thể, ông Lưu Đức Khải, Phó trưởng Ban phụ trách, Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết kinh tế chia sẻ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, cụ thể phát sinh mỗi quan hệ 3 bên (thay vì 2 bên) trong các hợp đồng kinh tế.
Hơn thế, kinh tế chia sẻ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc đảm bảo lợi ích cho cả người mua và người bán. Trên thị trường, xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống đã xảy ra đồng thời các vấn đề thu thuế và các nghĩa vụ tài chính phát sinh cũng xuất hiện.
Trong khi đó cơ sở pháp lý trong quản lý Nhà nước về các loại dịch vụ kinh tế chia sẻ còn rất thiếu.
Ông Khải cho rằng yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ là phải bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, quyền riêng tư của công dân, tổ chức và chủ quyền trên không gian mạng.
“Mặt khác, Việt Nam cũng cần thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường dịch vụ (trong đó có dịch vụ Internet) và về thương mại điện tử nhằm khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh tốt trên nền tảng công nghệ số,” ông Khải nói.
Về điều này, tiến sỹ Chu Thị Hoa, Phó viện trưởng, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp nhấn mạnh kinh tế chia sẻ vẫn là một xu hướng mới, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự phát triển của mô hình này và không cần thiết phải ban hành một luật riêng chỉ để điều chỉnh.
Trên cơ sở đó, bà Hoa đề xuất việc điều chỉnh pháp luật trong thời gian tới cần tập trung vào việc xử lý, hạn chế các rủi ro phát sinh do sự phát triển của kinh tế chia sẻ (rủi ro đối với người lao động, người tiêu dùng khi tham gia kinh tế chia sẻ, rủi ro biến tướng thành tín dụng đen của các mô hình cho vay ngang hàng - P2P Lending, rủi ro xâm phạm dữ liệu cá nhân...).
Bà Hoa cho rằng tư duy của các nhà lập pháp cần mở và linh động để đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối với những vấn đề quản không được hoặc chưa hiểu rõ thì cần cân nhắc áp dụng khung pháp lý thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế (Sandbox)./.