Theo Báo cáo tình hình Kinh tế-Xã hội từ Tổng cục thống kê, tám tháng cả nước có 10,9 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã “hồi sinh” trở lại và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2013.
Phân tích từ các chuyên gia thống kê chỉ ra, trong tháng Tám mặc dù số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới giảm so với tháng Bảy nhưng bức tranh chung về tình hình doanh nghiệp trong tháng cho thấy dấu hiệu tích cực, khi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trên cả nước là 1.496 doanh nghiệp, tăng 35,2% so với tháng trước.
Mặc dù vậy, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước trong tháng Tám là 5.052 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 27,3 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ (0,6%) về số doanh nghiệp và giảm 13,2% về số vốn đăng ký so với tháng Bảy.
Tính chung tám tháng, cả nước có 47,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 289,8 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp song tăng 14,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp là 6,1 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2013.
Tiến sỹ kinh tế Ngô Chí Long cho rằng, “nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục, bằng chứng là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và giá trị vốn đăng ký đã tăng lên.”
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu khởi sắc thì vẫn còn những vấn đề khó khăn khi mà trong tháng Tám vẫn có 755 doanh nghiệp giải thể, 1.050 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 4.876 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký, nâng tổng số lên 6.681 doanh nghiệp, tăng 35,5% so với tháng Bảy.
Như vậy, tính chung tám tháng, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước là 44,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Ngoài ra Báo cáo cũng cho thấy, trong tám tháng, các ngành sản xuất phân phối, điện, nước, gas và ngành hoạt động dịch vụ đã có tín hiệu tích cực thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng.
Tuy nhiên, một số ngành có sự tái cơ cấu mạnh qua số liệu doanh nghiệp giải thể, rút khỏi thị trường là nghệ thuật, vui chơi và giải trí, nông-lâm nghiệp-thủy sản, kinh doanh bất động sản... và một số ngành tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh là bán buôn-bán lẻ, sửa chữa ôtô-xe máy, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác.
“Điều này cho thấy, tín hiệu khởi sắc của nền kinh tế vẫn chưa thật sự rõ nét và sự cải thiện là rất chậm. Do đó, các ban ngành chức năng cần sớm chủ động thực thi hoạt động tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm giải quyết gốc vấn đề đó là nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế,” ông Long nhấn mạnh./.