Kinh tế Cuba phục hồi với mức tăng trưởng nhẹ trong năm 2017

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) dự đoán trong năm 2018, “hòn đảo tự do” sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ khoảng 1%.
Kinh tế Cuba phục hồi với mức tăng trưởng nhẹ trong năm 2017 ảnh 1Khách sạn Telegrafo ở thủ đô La Habana. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Cuba đã phục hồi trong năm 2017 với mức tăng trưởng nhẹ 0,5% sau khi bị suy giảm 0,9% vào năm 2016.

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL) dự đoán trong năm 2018, “hòn đảo tự do” sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với tốc độ khoảng 1%.

Dẫn báo cáo, ngày 18/12, phóng viên TTXVN tại Cuba cho biết động lực chính giúp Cuba đạt được kết quả tăng trưởng trên là mức tăng trưởng 2 con số của ngành du lịch, với số lượng du khách quốc tế dự kiến đạt mức 4,7 triệu lượt người vào cuối năm nay.

Đồng thời, CEPAL cũng ước tính mức thâm hụt ngân sách của Cuba trong năm nay là khoảng 12% của GDP.

Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã tăng cao trong nửa cuối năm do tác động của siêu bão lịch sử Irma tới hoạt động cung ứng thực phẩm và nhu cầu vật liệu xây dựng tăng nhanh.

Trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ này được duy trì ở mức thấp, với nguồn cung hàng hóa khá ổn định.

[Cuba thông qua các luật cải cách doanh nghiệp nhà nước]

Trong khi đó, mức thâm hụt thương mại của Cuba trong năm nay giảm 400 triệu USD so với năm ngoái, chủ yếu nhờ vào việc thắt chặt nhập khẩu, sau khi hoạt động xuất khẩu hàng hóa chịu mức sụt giảm tới 30% trong năm 2016.

Năm nay, Chính phủ Cuba đã công bố các dự án có tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp là 2 tỷ USD, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực hạ tầng du lịch và năng lượng.

Về thị trường lao động, lực lượng người lao động tự doanh của Cuba trong năm nay đã tăng 10,8%. Tuy nhiên, mức lương trung bình sụt giảm 1,2% do năng suất lao động giảm 0,6%.

CEPAL dự đoán kinh tế Cuba tăng trưởng 1% vào năm tới căn cứ trên tiềm năng hoạt động du lịch, việc điều tiết nguồn cung các sản phẩm năng lượng cùng khả năng giá cả các sản phẩm xuất khẩu chính của Cuba tăng trên thị trường thế giới, cũng như chi ngân sách tiếp tục tăng do quá trình tái thiết sau bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.