Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 7,23% trong 6 tháng đầu năm

Với mức tăng 7,23% trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP và xếp thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc trung ương (đứng trên Thành phố Hồ Chí Minh).
Kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 7,23% trong 6 tháng đầu năm ảnh 1Thành phố Đà Nẵng bên bờ sông Hàn. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Sáng 29/6, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm nay.

Tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đã khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, nhiều lĩnh vực kinh tế đã tăng trưởng bứt phá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 7,23% so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, nhận định ngay từ đầu năm, thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt triển khai chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội."

Đặc biệt trong quý 2, thành phố đã đạt mức tăng trưởng cao (GRDP ước tăng 12,37% so với cùng kỳ), đã góp phần giúp Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương phục hồi kinh tế khá nhanh, hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng ngay trong quý 2.

Quỹ đạo phục hồi kinh tế của Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn bứt tốc. Với mức tăng 7,23% trong 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố về tốc độ tăng GRDP và xếp thứ 4 trong khối 5 thành phố trực thuộc trung ương (đứng trên Thành phố Hồ Chí Minh).

[Kinh tế Đà Nẵng nhiều chuyển biến tích cực trong quý đầu năm 2022]

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 57.792 tỷ đồng, mở rộng hơn 5.077 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 2,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,9%; khu vực dịch vụ chiếm 67,44%; thuế sản phẩm chiếm 10,5%.

Đến ngày 20/6, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.965 tỷ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021; tổng chi ngân sách đạt 12.206 tỷ đồng, bằng 80,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, tuy phục hồi nhanh nhưng tình hình kinh tế-xã hội thành phố trong 6 tháng qua vẫn còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế không đều, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức độ phục hồi khá chậm; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp do các khó khăn về quy trình, thủ tục và bất cập trong giải phóng mặt bằng; tình trạng mất cân đối về cơ cấu cung-cầu lao động vẫn chưa được khắc phục; tiến độ tiêm chủng nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em chưa đạt như kế hoạch đề ra...

Ông Trần Văn Vũ đề xuất một số giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm như tiếp tục khôi phục hoạt động du lịch trên cơ sở đảm bảo an toàn cho du khách, người lao động và cộng đồng; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước, kích cầu mua sắm cuối năm.

Đà Nẵng cần thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống; tập trung đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa phù hợp với tiến độ thi công của nhà thầu, phấn đấu đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.