Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 13/1 cho biết trong năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tăng 1,9% so với năm trước đó, dù cuộc xung đột Nga-Ukraine, lạm phát cao và các vấn đề về nguồn cung đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân nước này.
Theo chuyên gia, trong năm 2022, nền kinh tế Đức chịu ảnh hưởng bởi những hậu quả của cuộc xung đột tại Ukraine. Ngoài ra, còn có tình trạng tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu và tắc nghẽn giao hàng trầm trọng, giá cả tăng cao, nền kinh tế vẫn thiếu lao động lành nghề...
Tuy nhiên bất chấp những khó khăn, nền kinh tế Đức vẫn vượt qua. So với năm 2019, một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng GDP của Đức năm 2022 cao hơn 0,7 điểm phần trăm.
Trong lĩnh vực ngoại thương, giá trị dịch vụ và hàng hóa xuất khẩu của Đức đã tăng 3,2% so với năm trước đó. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu tăng mạnh hơn nhiều, ở mức 6,7%.
Về lĩnh vực chi tiêu công, năm 2022 chi tiêu công ở Đức tăng 1,1% so với năm trước đó. Do ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine, chính phủ Đức đã phải cung cấp nhiều gói hỗ trợ để giúp người dân và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Điều này khiến chi tiêu công tăng lên.
Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, do các hạn chế phòng dịch, người dân Đức đã tiết kiệm được khoảng 200 tỷ euro. Từ đầu năm 2022, hầu hết các hạn chế này đều được dỡ bỏ, khiến cho tiêu dùng cá nhân tăng lên. So với năm 2021, lĩnh vực tiêu dùng năm 2022 đã tăng 4,6% và gần như đạt mức trước khủng hoảng (năm 2019).
Về triển vọng tăng trưởng năm 2023, cho đến nay các chuyên gia kinh tế Đức không còn đánh giá triển vọng tăng trưởng năm nay một cách ảm đạm như trước. Theo đó, năm 2023 nền kinh tế Đức được cho là vẫn đối mặt với suy thoái, tuy nhiên chỉ ở mức độ tương đối nhẹ. Thậm chí, một số viện nghiên cứu kinh tế Đức còn cho rằng nền kinh tế đầu tàu châu Âu có thể sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay.
[Chuyên gia đánh giá kinh tế Đức có thể phục hồi tốt hơn dự kiến]
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Khí hậu và Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này cho đến nay đã tránh được kịch bản suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau khi Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, đồng thời bày tỏ lạc quan rằng kho dự trữ khí đốt của Đức đủ để đảm bảo cho mùa Đông năm tới.
Còn Jan-Christopher Scherer, nhà kinh tế tại tổ chức tư vấn DIW ở Berlin, nhận định kinh tế Đức có khả năng phục hồi tốt hơn so với những lo ngại vào mùa Thu. Theo ông Scherer, kinh tế Đức sẽ không rơi vào suy thoái sâu.
Những khu vực sản xuất sử dụng nhiều năng lượng đã chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh trong năm 2022. Song triển vọng về tổng thể vẫn tốt hơn nhiều so với vào mùa Thu, nhờ nguồn cung cấp năng lượng cải thiện.
Theo đánh giả của Viện Nghiên cứu Kinh tế châu Âu (Ifo), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Đức năm 2023 sẽ giảm 0,1%, mà không phải giảm 0,3% như dự báo trước đó.
Cũng giống nhiều quốc gia châu Âu khác, giá năng lượng tại Đức tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến lạm phát tại nước này tăng cao và điều này đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng và ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức.
Ifo dự báo lạm phát tại Đức sẽ giảm từ 7,8% trong năm 2022 còn 6,4% vào năm 2023 khi các biện pháp của chính phủ nước này để hạ nhiệt giá năng lượng có tác dụng. Nhu cầu hàng hóa trong ngành sản xuất vẫn mạnh trong bối cảnh sản xuất tăng nhẹ và ngập đơn hàng. Tới năm 2024, mức lạm phát được kỳ vọng sẽ giảm xuống còn 2,8%.
Chính phủ Đức đã công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ euro (210 tỷ USD) để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, bao gồm cả việc giảm giá khí đốt cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Cũng liên quan tới kinh tế, xuất khẩu của Đức sang Anh lần đầu tiên tăng trưởng trở lại trong năm 2022 sau nhiều năm sụt giảm.
Riêng từ tháng 1 đến tháng 11 năm ngoái, các công ty Đức đã bán số hàng hóa trị giá hơn 68 tỷ euro (73,4 tỷ USD) cho Anh, tăng gần 14% so với con số 65 tỷ euro (70,2 tỷ USD) năm 2021. Đây là lần tăng đầu tiên sau 6 năm liên tiếp xuất khẩu của Đức sang Anh sụt giảm, chủ yếu do Brexit./.