Kinh tế Đức thoát suy thoái "trong gang tấc," tăng trưởng khiêm tốn

Theo dự báo, tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng 0,1% trong quý 1 năm 2023, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 0,4% trong quý 4 năm 2022.
Kinh tế Đức thoát suy thoái "trong gang tấc," tăng trưởng khiêm tốn ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Đức được dự báo sẽ thoát khỏi suy thoái "trong gang tấc" và đạt mức tăng trưởng khiêm tốn trong quý đầu năm 2023.

Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức, công bố ngày 14/4, cho biết suy thoái kỹ thuật trong hai quý âm liên tiếp dường như đã được ngăn chặn. Theo dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng 0,1% trong quý 1 năm 2023, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 0,4% trong quý 4 năm 2022.

Những dự báo hiện tại cũng cho thấy GDP trong cả năm 2023 sẽ tăng nhẹ. Các viện kinh tế hàng đầu của Đức đều dự báo rằng kinh tế nước này trong năm 2023 có thể tăng trưởng 0,3%.

Các chỉ số kinh tế cho thấy nhiều tín hiệu tích cực đáng chú ý trong quý đầu tiên, với sản lượng công nghiệp và xây dựng đạt tăng trưởng, tình trạng “thắt cổ chai nguyên liệu” cũng dần được tháo gỡ, giá năng lượng giảm và điều kiện thời tiết thuận lợi.

[Chuyên gia: Kinh tế Đức được dự báo không rơi vào suy thoái]

Cùng với đó, tâm lý người tiêu dùng dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong những tháng tới, mặc dù sức mua giảm do tác động của lạm phát vẫn là yếu tố đè nặng lên nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Kinh tế, đây là một “khởi đầu thuận lợi” trong năm nay. Bộ nhấn mạnh mùa Đông ôn hòa và mức dự trữ khí đốt cao đã góp phần cung cấp đủ khí đốt cho Đức nói riêng và châu Âu nói chung, điều này được phản ánh qua việc giá năng lượng giảm đáng kể.

Tỷ lệ lạm phát dự báo tiếp tục giảm trong những tháng tới, mặc dù vẫn ở mức cao. Phạm vi lạm phát dự báo là 5,4% đến 6,6% trong năm 2023 và 2,1% đến 3,5% cho năm 2024.

Ngoài những tín hiệu tích cực, Bộ Kinh tế vẫn cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra với triển vọng kinh tế, chẳng hạn như tiêu dùng cá nhân yếu, các vấn đề gần đây về thể chế tài chính và bất ổn địa chính trị do xung đột Nga-Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.