Kinh tế Eurozone tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng

Kết quả khảo sát cho thấy kinh tế của Eurozone đã "tăng tốc" trong tháng 3/2023 và chạm mức cao của 10 tháng, bất chấp những bất ổn trên thị trường và những lo ngại về lĩnh vực ngân hàng.
Kinh tế Eurozone tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng ảnh 1Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tăng trưởng kinh tế ở Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng tốc trong tháng Ba và đạt mức cao nhất trong 10 tháng, bất chấp những bất ổn trên thị trường và những lo ngại liên quan lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây.

Đây là kết quả khảo sát được công bố ngày 24/3.

Theo S&P Global, chỉ số Flash PMI (dự đoán ban đầu về chỉ số PMI - Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng) của Eurozone đạt mức 54,1, tăng so với mức 52,0 ghi nhận trong tháng Hai, phần lớn nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ. PMI trên 50 cho thấy sự tăng trưởng.

Nỗi lo suy thoái đang giảm dần ở châu Âu sau những lo ngại về một mùa Đông khó khăn do giá năng lượng tăng vọt.

Tỷ lệ lạm phát tại Eurozone vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của các nhà hoạch định chính sách, nhưng giá tiêu dùng tại các nước thuộc Eurozone cũng đã dần hạ nhiệt trong những tháng gần đây, sau thời điểm lạm phát chạm mức cao kỷ lục 10,6% vào tháng 10/2022.

[ECB có thể tái khẳng định về sự an toàn của các ngân hàng khu vực]

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua loạt biến động trong những tuần qua, song các doanh nghiệp vẫn duy trì được sự lạc quan, vượt qua nỗi lo về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng.

Nhà kinh tế trưởng của S&P Chris Williamson cho rằng kết quả khảo sát này hoàn toàn nhất quán với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 0,3% trong quý 1/2023, khi GDP tăng tốc lên mức tương đương 0,5% chỉ trong tháng Ba.

Bên cạnh đó, ông Williamson cho rằng niềm tin được duy trì của doanh nghiệp cho thấy khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế khu vực, bất chấp các đợt tăng lãi suất và diễn biến căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng.

Ông Williamson cho rằng niềm tin này sẽ càng được củng cố sau khi các nền kinh tế lớn nhất châu Âu công bố các số liệu tích cực.

S&P Global cho biết, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu lục đã ghi nhận chỉ số PMI tổng hợp tăng từ 50,7 trong tháng Hai lên 52,6 vào tháng Ba.

Trong khi đó, Pháp cũng ghi nhận PMI tăng từ 51,7 trong tháng Hai lên 54,0 trong tháng Ba. Hoạt động kinh tế của Pháp phần lớn được thúc đẩy nhờ tiêu dùng và dịch vụ trong nước.

Nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics Paolo Grignani nhận định dữ liệu mới nhất của S&P cho thấy "một bức tranh" ngắn hạn về khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế châu Âu.

Tuy nhiên, những kỳ vọng còn "mong manh" của giới doanh nghiệp là dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế trong nửa sau của năm có thể đối mặt nhiều thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.