Kinh tế Eurozone tăng trưởng mạnh sau nới lỏng biện pháp phòng dịch

Theo kết quả khảo sát mới, tăng trưởng kinh tế Đức cao nhất trong 6 tháng, với PMI ở mức 56,2; kinh tế Pháp cũng tăng trưởng tốt nhất trong 8 tháng với chỉ số PMI 57,4.
Kinh tế Eurozone tăng trưởng mạnh sau nới lỏng biện pháp phòng dịch ảnh 1Hoạt động bốc dỡ container hàng hóa tại cảng ở Dublin, Ireland. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả khảo sát mới được công bố ngày 21/2, tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng mạnh trong tháng 2 khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19 được nới lỏng.

Theo khảo sát hằng tháng của IHS Markit, tăng trưởng kinh tế tháng 2 của khu vực đã lên mức cao nhất trong 5 tháng.

Tuy nhiên cơ quan này cũng lưu ý tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cũng đang đẩy lạm phát lên mức cao kỷ lục. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) tăng 3,5 điểm lên mức 55,8, cao hơn mức 52,3 ghi nhận vào tháng 1. Trong đó, tăng trưởng kinh tế Đức cao nhất trong 6 tháng, với PMI ở mức 56,2. Kinh tế Pháp cũng tăng trưởng tốt nhất trong 8 tháng với chỉ số PMI 57,4. Chỉ số PMI trên 50 được hiểu là kinh tế tăng trưởng.

Kinh tế tăng trưởng được cho là do 19 nước thành viên bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế sau 2 tháng áp dụng để ứng phó với làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra. Hiện Omicron là biến thể gây bệnh chủ đạo ở châu Âu nhưng các chính phủ đánh giá biến thể này ít nguy hiểm hơn những biến thể trước nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao.

Theo IHS Markit, các biện pháp hạn chế đã được hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn, giá cả trung bình của hàng hóa và dịch vụ đã tăng lên mức cao chưa từng thấy.

Theo nhà kinh tế trưởng của IHS Markit Chris Williamson, giá năng lượng tăng và lương tăng tiếp tục gây thêm áp lực lạm phát, khiến giá cả bán ra tăng cao nhất trong hơn 25 năm kể từ khi công ty này tiến hành khảo sát.

Do giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất các sản phẩm công nghiệp tại Đức đã tăng lên mức kỷ lục. Nhiều loại sản phẩm thậm chí còn đắt gấp đôi so với trước.

[Giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu lo ngại lạm phát tăng phi mã]

Dữ liệu từ Cơ quan thống kê liên bang nước này (Destatis) cho thấy trong tháng 1, giá thành sản xuất các sản phẩm công nghiệp Đức đã lên mức 25% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất từ khi chỉ số này được khảo sát vào năm 1949. So với tháng 12/2021, giá thành sản xuất tăng 2,2%.

Không chỉ các sản phẩm năng lượng mà nhiều mặt hàng khác từ thực phẩm tới máy móc, đều có giá cao hơn năm trước.

Các nhà kinh tế cho rằng giá cả tăng cao có thể kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế cũng như tác động xấu tới đời sống của người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Ralph Solveen từ ngân hàng Commerzbank, áp lực lạm phát tại Đức vẫn ở mức cao. Ông dự đoán tỷ lệ lạm phát ở Đức sẽ vào khoảng 5% cho đến quý 3.

Còn theo dự báo trước đó từ Viện nghiên cứu kinh tế Ifo, tỷ lệ lạm phát trung bình năm 2022 của nền kinh tế Đức sẽ ở mức 4% - cao nhất kể từ năm 1993.

Theo Destatis, nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất tăng cao là do giá năng lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trung bình ở mức 66,7% trong tháng 1. Trong đó, giá khí đốt tự nhiên tăng 119% so với tháng 1/2021, giá điện tăng 2/3 và giá dầu sưởi ấm tăng 55,6%. Nếu không tính giá năng lượng tăng, giá thành sản xuất sẽ chỉ tăng ở mức 12% so với cùng kỳ năm trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.