Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh hơn trong quý 2 năm 2022

Tăng trưởng trong quý 2/2022 tăng lên nhờ chi tiêu của chính phủ tăng và tiêu dùng cá nhân cải thiện, mặc dù xuất khẩu suy giảm. So với cùng kỳ quý 2 năm 2021, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2,9%.
Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng nhanh hơn trong quý 2 năm 2022 ảnh 1Quầy bán hải sản tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý 2/2022 cao hơn so với quý đầu năm nhờ chi tiêu tư nhân gia tăng khi các biện pháp hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 được nới lỏng.

Tuy nhiên, giá trị hàng hóa xuất khẩu ghi nhận chiều hướng giảm do tác động tiêu cực của sự bất ổn kinh tế từ bên ngoài.

Theo số liệu của BoK công bố ngày 26/7, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tăng từ mức 0,6% của quý 1/2022 lên 0,7% trong quý 2/2022. Như vậy, Hàn Quốc ghi nhận chuỗi tăng trưởng 8 quý liên tiếp kể từ quý 3/2020.

Tăng trưởng trong quý 2/2022 tăng lên nhờ chi tiêu của chính phủ tăng và tiêu dùng cá nhân cải thiện, mặc dù xuất khẩu suy giảm. So với cùng kỳ năm 2021, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á tăng trưởng 2,9% trong quý 2 vừa qua.

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân trong quý 2/2022 tăng 3% so với quý trước đó, do hoạt động mua sắm đối với hàng hóa không lâu bền, dịch vụ cá nhân như chi phí ăn ở, đi nhà hàng.

Từ ngày 18/4, Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các quy định giãn cách xã hội do COVID-19, ngoại trừ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín, đưa nước này dần trở lại với cuộc sống trước đại dịch.

Chi tiêu chính phủ tăng 1,1% do chi tiêu tài khóa gia tăng để đối phó với tác động của đại dịch.

Tháng Năm vừa qua, Hàn Quốc đã dành một khoản ngân sách bổ sung kỷ lục lên tới 62.000 tỷ won (47 tỷ USD) để hỗ trợ các tiểu thương và những đối tượng dễ bị tổn thương do đại dịch.

Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu, vốn chiếm một nửa nền kinh tế Hàn Quốc, đã giảm từ 3,6% trong quý I xuống 3,1% trong quý 2.

[Hàn Quốc dự báo lạm phát hơn 6% trong giai đoạn từ tháng 6-8 tới]

Đà tăng trưởng trong lĩnh vực xuất khẩu của Hàn Quốc có dấu hiệu "hụt hơi" giữa bối cảnh các yếu tố kinh tế bên ngoài ngày càng bất ổn do tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng giữa Nga-Ukraine và việc Trung Quốc phong tỏa một số địa phương do đại dịch COVID-19.

Theo BoK, nếu kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 0,3% so với quý trước, liên tiếp trong quý 3 và quý 4, tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 có thể đạt mức 2,7%.

Tuy nhiên, những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao do lạm phát tăng vọt và khả năng suy giảm kinh tế ở các nền kinh tế lớn.

Hwang Sang-pil, người đứng đầu Văn phòng Thống kê của BoK, cho biết: “Sự gia tăng số ca nhiễm mới COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người dân. Trong lĩnh vực xuất khẩu, sự không chắc chắn về các điều kiện kinh tế bên ngoài tiếp tục là yếu tố rủi ro rất cao.”

Hàn Quốc đang chứng kiến sự bùng phát của làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới trong những tuần gần đây do sự lây lan nhanh chóng của một biến chủng phụ của biến thể Omicron. Lần đầu tiên sau 3 tháng, số ca nhiễm mới theo ngày tăng lên gần 100.000 ca.

Nền kinh tế Hàn Quốc đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6/2022 tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng nhanh nhất trong gần 24 năm qua.

Tháng Sáu vừa qua, chính phủ Hàn Quốc đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 xuống còn 2,6%, đồng thời dự báo triển vọng lạm phát năm nay là 4,7%, cao nhất trong vòng 14 năm qua. Trong khí đó, BoK đưa ra dự báo chỉ số lạm phát năm 2022 là 4,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.