Kinh tế Hy Lạp suy sụp trước trước thềm cuộc trưng cầu ý dân

Kinh tế Hy Lạp suy sụp trước thềm trưng cầu ý dân khi các cửa hàng cạn kiệt thực phẩm, ngân hàng chỉ còn đủ tiền mặt để cầm cự đến cuối tuần.
Kinh tế Hy Lạp suy sụp trước trước thềm cuộc trưng cầu ý dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn:telegraph.co.uk)

Các cửa hàng cạn kiệt lương thực thực phẩm và thuốc men, ngành du lịch đối mặt với làn sóng hoãn, hủy chuyến và các ngân hàng chỉ còn đủ tiền mặt để cầm cự đến hết cuối tuần.

Đó là bức tranh kinh tế Hy Lạp trước thềm cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 tới để quyết định về chương trình cải cách và các điều khoản thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ mới, trong bối cảnh Thủ tướng Hy Lap Alexis Tsipras kêu gọi người dân nói "không" với chính sách khắc khổ để ông có thêm vị thế thương lượng "đổi cải cách lấy giãn nợ" với các chủ nợ của nước này.

Các ngân hàng Hy Lạp cho biết họ chỉ còn 1 tỷ euro tiền mặt cho đến hết cuối tuần - tương đương vỏn vẹn 90 euro mỗi đầu người ở đất nước 11 triệu dân này. Cho dù cuộc trưng cầu ý dân ngày 5/7 cho kết quả như thế nào thì các ngân hàng Hy Lạp cũng sẽ phải cần tới sự trợ giúp khẩn cấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vào đầu tuần tới.

Ông Vasilis Korkidis, đứng đầu Liên đoàn Thương mại quốc gia, cho biết kinh tế Hy Lạp bị tổn thất 1,2 tỷ euro trong tuần qua với mọi hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, vận tải... đều tê liệt. Ông cho rằng sẽ phải mất vài tháng để phục hồi cú sốc từ việc các ngân hàng đóng cửa và các biện pháp kiểm soát vốn.

Du lịch, ngành công nghiệp mũi nhọn mang lại ngoại tệ chính cho Hy Lạp, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ, với ước tính mỗi ngày có tới 50.000 khách du lịch quốc tế hủy chuyến tới Xứ sở Thần thoại kể từ khi Thủ tướng Tsipras bước ra khỏi các cuộc đàm phán tại Brussels một tuần trước đây.

Liên đoàn Du lịch Hy Lạp (SETE) cho biết lượng khách đặt chuyến đã giảm tới 40% trong vài ngày gần đây. Các đảo thu hút khách du lịch nổi tiếng của Hy Lạp như Mykonos và Santorini đều gặp tình trạng khan hiếm nhu yếu phẩm. Lý do là hơn một nửa nguồn cung thực phẩm và phần lớn dược phẩm của Hy Lạp đều là hàng nhập khẩu, nhưng do các giao dịch ngân hàng hiện thời bị cấm nên các công ty không thể thanh toán cho các nhà cung cấp.

Bà Vicky Pryce, cố vấn kinh tế trưởng thuộc Trung tâm Nghiên cứu thương mại và kinh tế, cho rằng một kết quả "không" trong cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp sắp tới sẽ khiến tình hình thêm tồi tệ bởi nó gần như đồng nghĩa với việc các ngân hàng phá sản, Hy Lạp rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hoạt động kinh tế đình đốn nhanh hơn bởi đồng nội tệ drachma khi được lưu hành trở lại sẽ nhanh chóng mất giá.

Theo nhà kinh tế gốc Hy Lạp này, một kết quả "có" sẽ giữ cho các ngân hàng tiếp tục mở cửa và tạo cơ sở cho một thỏa thuận dựa trên thực tế mới của Hy Lạp cũng như bao gồm việc tái cơ cấu các khoản nợ mà mọi nhà kinh tế đều biết là không bền vững.

Bà Pryce đánh giá một kết quả "có" sẽ là ánh sáng cuối đường hầm, còn một kết quả "không" sẽ đẩy Hy Lạp vào nhiều năm khủng hoảng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.