Ngày 21/1, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết Athens chấp nhận quan điểm của các đối tác châu Âu rằng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần đóng vai trò giám sát chương trình cứu trợ của quốc tế dành cho nước này.
Tuyên bố trên của người đứng đầu Chính phủ Hy Lạp được đưa ra sau khi IMF vừa quyết định bãi bỏ một quy định được ban hành năm 2010, theo đó cho phép thể chế tài chính này tham gia chương trình cứu trợ quốc tế dành cho Xứ sở các vị Thần bất chấp có sự hoài nghi về khả năng thanh toán nợ của nước này.
Người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết ban điều hành IMF đã thông qua một cải cách quan trọng đối với quyền đặc cách trong cơ chế cho vay của IMF, cụ thể là bãi bỏ quy định “miễn trừ mang tính hệ thống.” Quy định này yêu cầu IMF phải đánh giá tích cực về khả năng thanh toán nợ của một nước thành viên trước khi quyết định hỗ trợ tài chính ở mức cao hơn khoản đóng góp của chính nước đó cho IMF.
Giới quan sát nhận định với việc bãi bỏ quy định trên, IMF đang tìm cách dập tắt những tranh cãi, giữa bối cảnh thể chế tài chính đa phương này cũng đang cân nhắc có tiếp tục phối hợp với EU và ECB tham gia gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro ( 93,5 tỷ USD) dành cho Hy Lạp được công bố hồi tháng 8/2015 hay không.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos đã khẳng định rằng Hy Lạp mong muốn IMF sẽ tham gia gói cứu trợ thứ ba mà các chủ nợ quốc tế dành cho nước này, đồng thời hy vọng thể chế tài chính này có thể sớm kết thúc các đợt đánh giá tiến trình cải cách Hy Lạp đã cam kết thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế.
Tuy nhiên, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế, Pierre Moscovici, cảnh báo rằng cam kết mới nhất của Hy Lạp về việc cắt giảm ngân sách dành cho hệ thống hưu trí mang đầy tham vọng, song có thể vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu của các chủ nợ.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos 2016 đang diễn ra tại Thụy Sĩ, ông Moscovici nói: “Kế hoạch cải cách này mang tính hệ thống và là động thái thể hiện rõ nét nhất tham vọng có được gói cứu trợ của Hy Lạp từ trước tới nay. Song tôi cho rằng các bên liên quan vẫn phải tiến hành các cuộc thảo luận nghiêm túc để cũng đi đến nhất trí về các kế hoạch cụ thể.” Việc cải cách quỹ lương hưu là một trong những đòi hỏi bắt buộc của các chủ nợ đối với Hy Lạp nếu nước này muốn nhận các khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ ba.
Trong khi đó, kế hoạch này đang vấp phải sự phản đối của rất nhiều tầng lớp dân chúng Hy Lạp. Ngày 21/1, hàng nghìn người Hy Lạp gồm luật sư, bác sỹ, các kỹ sư và nhiều nhóm nghề nghiệp khác đã tuần hành tại trung tâm Hy Lạp phản đối việc chính phủ cắt giảm mạnh thu nhập theo các chương trình cải cách lương hưu đã được chính phủ đề xuất thực hiện.
Các nghiệp đoàn của Hy Lạp cho biết việc tăng tiền đóng góp cho các quỹ lương hưu, cùng với các khoản tăng thuế khác, sẽ khiến nhiều nhóm nghề nghiệp phải "góp" 70-85% thu nhập vào ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, trong nỗ lực tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để tạo nguồn tài chính giải quyết núi nợ công khổng lồ ngày 20/1 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp đã thông báo bán lại 67% cổ phần của bến cảng lớn nhất nước này là Piraeus cho COSCO, tập đoàn vận tải biển lớn nhất Trung Quốc, với giá 368,5 triệu euro (402,4 triệu USD)./.