Kinh tế Italy có thể mất khoảng 100 tỷ euro mỗi tháng do dịch bệnh

Chính phủ Italy ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đang khiến nước này bước vào "nền kinh tế chiến tranh."
Người dân xếp hàng chờ đợi bên ngoài một siêu thị ở Bologna, Italy ngày 20/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân xếp hàng chờ đợi bên ngoài một siêu thị ở Bologna, Italy ngày 20/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 23/3, Chủ tịch Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria) Vincenzo Boccia cho rằng, việc chính phủ nước này thông qua các biện pháp nghiêm ngặt, ngừng mọi hoạt động sản xuất không thiết yếu, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đang khiến nước này bước vào "nền kinh tế chiến tranh."

Phát biểu trên Radio Capital, Chủ tịch Confindustria nêu rõ, nếu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy là 1.800 tỷ euro mỗi năm, điều này đồng nghĩa hoạt động sản xuất mang lại 150 tỷ euro mỗi tháng, và nếu ngừng 70% hoạt động sản xuất, nền kinh tế Italy sẽ mất khoảng 100 tỷ euro mỗi tháng.

Theo ông Boccia, chỉ 20-30% hoạt động sản xuất thiết yếu được duy trì, sẽ gây tổn thất lớn cho quốc gia này. Italy sẽ phải đối mặt với một khoản nợ khổng lồ, chỉ có thể được trả trong vòng 30 năm, tương đương “một khoản nợ chiến tranh."

Tuy nhiên, ông Boccia khẳng định Italy phải chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, chưa xét đến sự hồi sinh của nền kinh tế.

[IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Italy xuống âm 0,6%]

Chủ tịch Confindustria đề xuất Chính phủ Italy mở rộng quỹ bảo lãnh tín dụng, cho phép các công ty có thanh khoản ngắn hạn vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng như cần có hành động hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi.

Các biện pháp này của chính phủ là nhằm đảm bảo khi dịch bệnh kết thúc, các doanh nghiệp mở cửa trở lại và mọi hoạt động sẽ dần trở lại bình thường.

Liên quan tới biện pháp hỗ trợ hệ thống y tế ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Giuseppe Conte cùng ngày thông báo chính phủ tiếp tục đặt mua hơn 6.500 máy thở và 120 triệu khẩu trang đặt mua sẽ được cung ứng trong tuần tới.

Trong ngày 23/3, Italy đã cung cấp bổ sung 4 triệu khẩu trang và 125 máy trợ thở tới các bệnh viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.