Kinh tế Mỹ 2013: Khởi sắc trong một năm nhọc nhằn

Giữa bối cảnh căng thẳng của các cuộc tranh cãi của những nhà lập chính sách, kinh tế Mỹ đã có một năm phục hồi vượt kỳ vọng.

Năm cũ 2013 với nước Mỹ đã trôi qua một cách nhọc nhằn nhất là trong vấn đề thu chi ngân sách. Những tranh cãi kéo dài đã dẫn tới bế tắc trong các quyết sách tài chính cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thế nhưng, giữa bối cảnh căng thẳng đó, kinh tế Mỹ lại có một năm phục hồi vượt kỳ vọng, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và thị trường việc làm cải thiện đáng kể về cuối năm. Đó là những cơ sở vững chắc để tin vào triển vọng hứa hẹn cho một năm 2014 đã bắt đầu.

Căng thẳng những bàn cãi ngân sách

Ngay ngày đầu năm 2013, nước Mỹ đã làm cú vượt "vách đá tài chính" sau khi hai viện trong Quốc hội đạt được thỏa thuận sau gần một năm chia rẽ đảng phái và sau hơn hai tháng đàm phán ròng rã tưởng chừng đã thất bại.

"Vách đá tài chính" là chương trình tự động tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá hơn 600 tỷ USD bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2013 nếu Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được một thỏa thuận về các giải pháp có tính giảm nhẹ hơn.

Kịch bản này nếu xảy ra sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế đang phục hồi chậm chạp của Mỹ.

Nhiều nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2% hoặc thấp hơn trong năm nay, so với mức ước tăng 2,2% trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở mức cao 7,7%.

Tiếp đó, căng thẳng đảng phái kéo dài dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là ngân sách tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85,4 tỷ USD từ đầu tháng 3, gây khó khăn hơn cho sự phục hồi của nền kinh tế. Việc cắt giảm ngân sách được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Mỹ trong năm 2013, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế số một thế giới đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo chương trình cắt giảm chi tiêu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ ít nhất 0,5%, còn hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cho rằng kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 2,7% được đưa ra trước đó.

Đến đầu tháng 10, một bộ phận công sở liên bang phải đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm, hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ không lương trong khi quốc gia bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ do Bộ Tài chính không còn được quyền vay tiền để chi tiêu. Và cũng không phải dễ dàng để cuối cùng Quốc hội đạt được thỏa thuận vào phút chót là ngày 17/10 về ngân sách tạm thời và gia hạn quyền vay mượn, tránh được nguy cơ vỡ nợ và mở cửa công sở liên bang trở lại.

Nhưng dù vậy, việc đóng cửa chính phủ cũng sẽ gây ra những thiệt hại về kinh tế. Standard & Poor’s ước tính thiệt hại có thể lên đến 24 tỷ USD. Các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là 2,3% trong quý cuối cùng của năm.

Và phải chờ mãi đến ngày tận tháng cùng thì người Mỹ mới có thể cảm thấy nhẹ nhõm một phần khi lưỡng viện Quốc hội chấp nhận lùi bước, thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách, không phải cho một năm mà là hai tài khóa liên tiếp 2014 và 2015, để sau đó Tổng thống đã ký ban hành.

Theo đó, ngân sách tài khóa 2014, bắt đầu từ ngày 1/10/2013, là 1.012 tỷ USD và tài khóa 2015 là 1.014 tỷ USD và xóa bỏ việc cắt giảm chi tiêu tự động 63 tỷ USD. Với các kế hoạch chi tiêu ngân sách này, cho đến tháng 10/2015, nước Mỹ sẽ tránh được nguy cơ đóng cửa công sở liên bang và chính trường Mỹ đã tạm thời chấm dứt ba năm tranh cãi nội bộ về kế hoạch chi tiêu, cắt giảm thâm hụt ngân sách và thuế má.

... nhưng kinh tế phục hồi vượt kỳ vọng

Kinh tế Mỹ đã làm một cú bứt phá trên lộ trình tăng trưởng và càng về cuối năm sức bật lại càng mạnh mẽ, một kết quả ngoài mong đợi, thậm chí là một kỳ tích, nếu đặt trong bối cảnh nước này phải đối mặt với không ít vấn đề đau đầu về ngân sách gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế như vậy.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III/2013 đạt đến con số 4,1%, cao hơn mức dự báo tăng 3,6% trước đó và là mức cao nhất trong gần hai năm qua, sau khi đã tăng tốc từ 1,1% trong quý I lên 2,5% trong quý II. Hầu như tất cả số liệu kinh tế quý III/2013 được chính phủ điều chỉnh lên đều phản ánh chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ mạnh hơn và là dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ tiếp đà tăng mạnh hơn trong quý cuối cùng của năm nay.

Sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP mà còn ở những con số ấn tượng được ghi nhận trên thị trường việc làm. Trong bốn tháng từ tháng 8 đến tháng 11, trung bình mỗi tháng nền kinh tế tạo được khoảng 200.000 việc làm, cho thấy sự cải thiện đáng kể so với hồi đầu năm.

Trong tháng 10, việc 204.000 việc làm mới được tạo ra là một thông tin gây bất ngờ cho các nhà phân tích bởi trong tháng này một số cơ quan công quyền của Mỹ phải đóng cửa hơn hai tuần lễ. Trong tháng 11, kinh tế Mỹ đã tạo ra được 203.000 việc làm mới, đưa tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 7,3% trong tháng 10 xuống 7%, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế, tại cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định bắt đầu từ tháng 1/2014 sẽ cắt giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng lần ba (QE3) từ 85 tỷ USD/tháng xuống 75 tỷ USD/tháng.

Fed cho biết việc cắt giảm quy mô chương trình này không phải là một lộ trình được ấn định sẵn mà sẽ tùy thuộc vào sự cải thiện của nền kinh tế và thị trường việc làm.

Fed cũng vẫn tiếp tục giữ lãi suất gần như bằng 0% đối với các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng thương mại như đã được duy trì trong 5 năm qua và có thể sẽ vẫn để lãi suất ở mức như hiện nay cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 6,5%.

Rõ ràng là Fed có đóng góp đáng ghi nhận trong sự phục hồi mạnh mẽ đó của nền kinh tế Mỹ, bằng những biện pháp chính sách đã thực hiện kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008.

Fed đã điều chỉnh căn bản chính sách để cùng với chính phủ kích thích nền kinh tế, lãi suất được giảm xuống mức thấp nhất có thể, và các biện pháp phi chính thống chưa từng có tiền lệ cũng đã được thực thi, trong đó có chương trình QE. Chương trình QE đầu tiên được thực hiện vào năm 2008 và QE3 được tung ra từ tháng 9 năm ngoái. Với ba lần QE, FED đã bơm gần 4.000 tỷ USD vào thị trường trái phiếu.

... tiền đề cho sự lạc quan

Tại cuộc họp định kỳ cuối cùng của năm 2013, khi thông báo sẽ cắt giảm quy mô QE3, Fed vẫn giữ nguyên nhận định về triển vọng của kinh tế Mỹ năm 2014, với tốc độ tăng GDP dự kiến đạt 2,8-3,2%. Nhìn nhận của Fed về thị trường lao động có vẻ sáng sủa hơn, với dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong năm nay ở mức từ 6,3-6,6%.

Đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong quý III/2013 và thế bế tắc về chính sách tài chính, chi tiêu ngân sách được tháo gỡ là những yếu tố khiến các chuyên gia kinh tế dự báo về một viễn cảnh sáng sủa hơn của nền kinh tế Mỹ trong năm 2014.

Theo kết quả thăm dò hơn 60 chuyên gia kinh tế hàng đầu do hãng tin Reuters tiến hành công bố ngày 11/12, GDP của Mỹ trong năm 2014 có thể tăng 2,6%, so với mức dự báo 2,5% hồi tháng 11 vừa qua. Cụ thể, trong quý I/2014, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng ở mức 2,5% và đến cuối năm có thể đạt 3%.

Theo dự báo của các chuyên gia, số việc làm mới được tạo ra trung bình mỗi tháng tại Mỹ là khoảng 190.000 trong quý I/2014 và có thể tăng lên mức 208.000 việc làm/tháng trong quý cuối cùng của năm tới và tỷ lệ thất nghiệp đến quý IV/2014 dự kiến giảm xuống mức 6,6%.

Trong bài diễn văn hàng tuần vào ngày 21/12, Tổng thống Barack Obama đã đánh giá cao việc Quốc hội thông qua ngân sách 2014 và 2015 mà ông cho rằng sẽ giúp đề ra kế hoạch phát triển cho nền kinh tế hai năm tới.

Theo ông, Mỹ sẽ bước vào một năm mới với một nền kinh tế mạnh hơn và tin tưởng rằng năm 2014 có thể là một năm đột phá. Ông muốn rằng 2014 phải là một năm của hành động và cho biết mục tiêu cho những năm tới là phải ổn định tình hình tài chính của đất nước, cải thiện thị trường nhà đất, tăng lương cho người lao động và tạo thêm nhiều việc làm hơn nữa.

Nhưng dù đã có những dấu hiệu ổn định hơn, việc kinh tế Mỹ có thể cởi bỏ "phao cứu sinh" ngay tức khắc hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ, có thể Fed sẽ triển khai quá trình giảm quy mô QE3 trong cả năm 2014.

Theo cựu Chủ tịch Fed, Ben Bernanke, nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục nhịp độ tăng trưởng như hiện nay hoặc khởi sắc hơn, thì tại mỗi cuộc họp bàn chính sách trong năm tới, việc giảm bớt quy mô QE3 sẽ được cân nhắc và quyết định. Đến cuối năm 2014, Fed có thể sẽ chấm dứt hoàn toàn QE3.

Một điều cũng cần phải nói đến là mặt tích cực khi Fed rút dần QE3. Đó là dòng tiền từ chương trình này được đổ vào các nền kinh tế mới nổi sẽ trở về nơi xuất phát, tỷ giá của đồng USD sẽ tăng, nhờ vậy giá của các tài sản bằng đồng USD cũng được nâng lên, không chỉ có lợi cho thị trường chứng khoán mà còn có lợi cho cả thị trường bất động sản, giúp loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực mà việc cắt giảm QE có thể gây ra.

Việc chỉ số chứng khoán Dow Jones chạm mức cao mọi thời đại, chỉ số S&P 500 leo lên mức cao kỷ lục và chỉ số Nasdaq Composite đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2000 sau khi Fed tuyên bố cắt giảm QE3 đã phản ánh đầy đủ kỳ vọng đó./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.