Kinh tế Mỹ có dấu hiệu mất động lực trong quý 4 năm 2014

Nền kinh tế Mỹ có những dấu hiệu mất động lực trong quý 4/2014, với giá trị đơn hàng mới mà các nhà máy ở nước này nhận được trong tháng 11 tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Kinh tế Mỹ có dấu hiệu mất động lực trong quý 4 năm 2014 ảnh 1Các tòa nhà cao tầng ở thành phố Detroit. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế Mỹ có những dấu hiệu mất động lực trong quý 4/2014, với giá trị đơn hàng mới mà các nhà máy ở nước này nhận được trong tháng 11 tiếp tục giảm tháng thứ tư liên tiếp, còn lĩnh vực dịch vụ cũng bị "hãm phanh" trong tháng 12.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, giá trị đơn hàng chế tạo mới giảm 0,7% trong tháng 11 và đạt 492,7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2014, khi nhu cầu kim loại cơ bản, máy công nghiệp và máy bay quân sự giảm. Trừ đơn hàng liên quan đến vận tải vốn hay biến động giữa các tháng, giá trị đơn hàng trong tháng giảm 0,6%.

Hoạt động chế tạo tại Mỹ chững lại sau khi tăng trưởng mạnh trong quý 3/2014, một phần phản ánh thực trạng hiện nay của kinh tế toàn cầu, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, sự trì trệ của Khu vực sử dụng đồng euro cũng như tại Nhật Bản đã làm giảm sút nhu cầu đối với hàng hóa chế tạo của Mỹ.

Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước tăng khi giá xăng giảm và lương vẫn tăng nên việc đơn hàng giảm cũng như tăng trưởng kinh tế chậm hơn có thể chỉ là tạm thời.

Các nhà kinh tế vẫn lạc quan cho rằng nhu cầu sẽ phục hồi trong năm nay, khi nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh hơn cùng với chi tiêu tiêu dùng cũng tăng.

Trong khi đó, theo số liệu do Viện quản lý nguồn cung (ISM) công bố ngày 6/1, chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tháng 12 giảm từ mức 59,3 điểm trong tháng 11, gần với các mức cao trước suy thoái, xuống 56,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng Sáu. PMI ở mức trên 50 cho thấy ngành dịch vụ vẫn trong chiều hướng tăng trưởng, song việc chỉ số này giảm cho thấy đà tăng đang chậm lại.

Trước đó, ngày 2/1, ISM đã công bố số liệu cho thấy PMI ngành chế tạo của Mỹ giảm từ 58,7 điểm trong tháng 11 xuống 55,5 điểm tháng 12, thấp nhất trong sáu tháng.

Nhà kinh tế kỳ cựu của Mỹ, Paul Dales, cho rằng PMI của cả lĩnh vực chế tạo và dịch vụ giảm cho phép ước đoán kinh tế tăng trưởng ở mức 3%, một con số vẫn cho thấy sự vững vàng song khá thấp so với mức 4,8% trong quý 3. Tuy nhiên, ông không cho đó là dấu hiệu về triển vọng yếu kém hơn, bởi giá dầu giảm mạnh sẽ mang đến sự lạc quan cho nền kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.