Kinh tế Mỹ đón thêm các số liệu bất lợi trong những tháng đầu năm

Hoạt động xây dựng nhà ở tại Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 2 cho thấy rõ hơn về tình trạng giảm tốc mạnh trong hoạt động kinh tế của Mỹ trong giai đoạn đầu năm 2019.
Kinh tế Mỹ đón thêm các số liệu bất lợi trong những tháng đầu năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: World Finance)

Hoạt động xây dựng nhà ở tại Mỹ đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 2/2019 khi số lượng nhà xây mới dành cho một hộ gia đình giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 năm qua, cho thấy rõ hơn về tình trạng giảm tốc mạnh trong hoạt động kinh tế của Mỹ trong giai đoạn đầu năm 2019.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, số nhà ở xây mới ở nước này trong tháng 2/2019 đã giảm 8,7% xuống mức 1,162 triệu căn (đã điều chỉnh theo mùa).

Đây là mức giảm lớn nhất trong 8 tháng qua và một phần do tình hình thời tiết kém thuận lợi tác động tiêu cực tới hoạt động xây dựng ở Mỹ trong tháng qua.

[Kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng chậm lại đáng kể trong năm nay]

[Số liệu về số nhà ở xây mới ở Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2019 đã được điều chỉnh cao hơn. Trong khi đó, số giấy phép xây dựng nhà được cấp ở Mỹ trong tháng 2/2019 giảm 1,6% xuống 1,296 triệu căn.

Những quan ngại về tình hình kinh tế Mỹ càng gia tăng sau khi tổ chức nghiên cứu Conference Board công bố kết quả khảo sát cho thấy niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 3/2019 với việc các hộ gia đình tỏ ra bi quan về thị trường việc làm trong nước.

Theo Conference Board, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm 7 điểm xuống còn 124,1 điểm trong tháng 3/2019.

Kinh tế Mỹ hiện đang đối mặt với những thách thức như tăng trưởng kinh tế thế giới giảm tốc, căng thẳng thương mại và bất ổn liên quan tới việc Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Những quan ngại này đã góp phần dẫn tới quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 2,25-2,5% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.