Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự báo do tác động Fed tăng lãi suất

Mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm hơn có thể là dấu hiệu cho thấy một loạt đợt tăng lãi suất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có một tác động mạnh hơn dự kiến.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn dự báo do tác động Fed tăng lãi suất ảnh 1Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng ở Queens, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Thương mại Mỹ ngày 23/2 công bố các số liệu cho thấy kinh tế nước này trong quý 4/2022 tăng trưởng 2,7%, thấp hơn mức ước tính sơ bộ 2,9% đưa ra trước đó.

Mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm hơn có thể là dấu hiệu cho thấy một loạt đợt tăng lãi suất của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có một tác động mạnh hơn dự kiến.

Một số các số liệu kinh tế gần đây, như số lượng việc làm trong tháng 1/2023 tăng mạnh và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động bán lẻ, khiến giới chuyên gia dự báo Fed có thể tiếp tục các nỗ lực giảm lạm phát bất chấp việc tăng lãi suất đồng nghĩa với tăng trưởng sẽ chậm lại.

[Kinh tế Mỹ: “Đại nghỉ việc” trong kỷ nguyên hậu dịch COVID-19]

Đợt tăng lãi suất gần đây nhất hồi đầu tháng này chỉ ở mức 0,25 điểm phần trăm, mức tăng nhỏ nhất trong gần một năm qua.

Bên cạnh thông tin về tăng trưởng, báo cáo của bộ trên cũng cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng (PCE, chỉ số lạm phát chính thường được Fed sử dụng khi đưa ra các chính sách tiền tệ), trong quý 4/2022 đã tăng 3,7%, cao hơn mức 3,2% trong báo cáo sơ bộ trước đó.

Chuyên gia kinh tế Gus Faucher của bộ trên nhận định lạm phát đang tiếp tục “nóng” hơn mức mà Fed mong muốn, do đó nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết các đợt tăng mạnh lãi suất đầu năm ngoái sẽ có thể dẫn tới suy giảm kinh tế trong năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Faucher, “suy giảm sẽ ở mức nhẹ vì thị trường lao động đang mạnh, cán cân thanh toán tiêu dùng mạnh và thị trường nhà ở cân bằng tốt.”

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ đã thông báo số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống còn 192.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 18/2, tức là giảm 3.000 đơn so với tuần trước đó và thấp hơn con số 200.000 đơn mà các chuyên gia kinh tế ước tính.

Bất chấp tình trạng cắt giảm mạnh nhân viên trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông, thị trường lao động Mỹ vẫn được đánh giá tích cực. Cứ một người xin việc có 2 công việc tìm người.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu của Oxford Economics, bà Nancy Vanden Houten nhận định thực tế trên thị trường lao động cũng là yếu tố thúc đẩy Fed tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.