Kinh tế Nga phục hồi bất chấp các lệnh trừng phạt và giá dầu thấp

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga thông báo kinh tế Nga đã bắt đầu phục hồi, với lĩnh vực sản xuất và đầu tư tăng trong một số quý vừa qua, trong khi lạm phát đang giảm dần.
Kinh tế Nga phục hồi bất chấp các lệnh trừng phạt và giá dầu thấp ảnh 1Một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina ngày 9/6 cho biết kinh tế nước này bắt đầu phục hồi bất chấp giá dầu thế giới sụt giảm và các lệnh trừng phạt của Phương Tây.

Phát biểu tại Duma quốc gia (Hạ viện), Thống đốc Nabiullina thông báo kinh tế Nga đã bắt đầu phục hồi, với lĩnh vực sản xuất và đầu tư tăng trong một số quý vừa qua, trong khi lạm phát đang giảm dần.

[Nga mở chiến dịch quảng bá rầm rộ hàng hóa “Made in Russia”]

Theo bà, kinh tế Nga thực tế đã thích ứng với tình hình mới bất chấp các lệnh trừng phạt mạnh tay của Phương Tây và giá dầu thế giới đi xuống.

Thống đốc Nabiullina nhận định trong những năm qua, Nga đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm kích thích kinh tế.

Trong khi đó, ngành ngân hàng có thể cấp các khoản vay cho những doanh nghiệp nhận tiền từ nước ngoài trước khi các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt.

Ngân hàng Trung ương Nga cũng làm việc tích cực nhằm đảm bảo ổn định tài chính và giá cả nói chung.

Kể từ năm 2014, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga chậm lại trong bối cảnh giá dầu thấp và các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt chống Nga với cáo buộc Moskva có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine.

Số liệu chính thức cho thấy năm 2016, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 0,2%, thấp hơn mức suy giảm 2,8% của năm 2015.

Lạm phát của Nga đã ghi nhận mức thấp kỷ lục với 5,4% trong năm 2016, sau khi tăng lên mức 12,9% của năm 2015.

Hiện, Nga đặt mục tiêu tăng trưởng từ 1,5-2% và lạm phát mục tiêu là 4% trong năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.