Kinh tế Nhật Bản sẽ đối mặt với nhiều cơn gió ngược trong 2019

Kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược" trong năm 2019 khi nhu cầu xuất khẩu chậm lại, thị trường tài chính bất ổn và thách thức lớn nhất là tăng thuế tiêu thụ.
Kinh tế Nhật Bản sẽ đối mặt với nhiều cơn gió ngược trong 2019 ảnh 1Xếp dỡ hàng hóa tại cảng ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược" trong năm 2019 khi nhu cầu xuất khẩu chậm lại, thị trường tài chính bất ổn và thách thức lớn nhất là tăng thuế tiêu thụ.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang vận hành tốt. Xứ sở Mặt Trời mọc có thể đã có một giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong thời kỳ hậu chiến với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau một thời gian tạm lắng do tác động bởi một loạt thảm họa tự nhiên xảy ra từ tháng 7-9/2018.

Thị trường việc làm phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, ở mức 2,5%.

Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ từ ngày 1/10 từ 8% lên 10% có thể làm giảm đà tăng này. Việc tăng thuế giá trị gia tăng trước đó cũng đã khiến chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh, khiến cho hoạt động kinh tế trở nên khó khăn.

[Doanh nghiệp Nhật Bản ít lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2019]

Năm 1989, lần đầu tiên thuế tiêu thụ được đưa ra ở Nhật Bản với tỷ lệ 3% và được nâng lên 5% vào năm 1997, động thái từng dẫn đến Đảng Dân chủ tự do cầm quyền phải chịu thất bại cay đắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm sau. Yếu tố này được cho là đã góp phần khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng giảm phát suốt trong 15 năm.

Trở lại quyền lực năm 2012 với các chính sách kinh tế được vạch ra nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng thuế lên 8% vào năm 2014 để giúp hỗ trợ cho chi phí ngày càng tăng trong việc cung cấp an sinh xã hội cho dân số ngày càng lão hóa.

Động thái này một lần nữa khiến người mua sắm thắt chặt hầu bao, đồng thời khiến lạm phát giảm xuống 0%. GDP lần đầu tiên giảm kể từ tài khóa 2009, thời điểm Nhật Bản vẫn quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật Bản lại giảm do nhu cầu giảm đối với các linh kiện sử dụng trong điện thoại thông minh như chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng, thậm chí có thể giảm hơn nữa do đồng yên tăng mạnh, khiến các sản phẩm của Nhật Bản giảm cạnh tranh ở nước ngoài.

Mặc dù chi tiêu kinh doanh vẫn mạnh nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cao kỷ lục và sự bùng nổ các hoạt động xây dựng trước Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020. Song niềm tin giới kinh doanh lại suy yếu do sự bất ổn liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhân tố khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu hồi tháng 10/2018.

Các nhà phân tích cho rằng những rủi ro tiềm ẩn như vậy đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khó có thể áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.