Kinh tế Nhật Bản sụt giảm sau tám quý tăng trưởng liên tiếp

Quý 1/2018, kinh tế nước này suy giảm 0,2% so với quý trước đó và sụt giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017, ghi dấu mức sụt giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua.
Kinh tế Nhật Bản sụt giảm sau tám quý tăng trưởng liên tiếp ảnh 1Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải của Hãng Mitsubishi Fuso tại Kawasaki, Nhật Bản. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Báo cáo ngày 8/6 của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay trong quý 1/2018, kinh tế nước này suy giảm 0,2% so với quý trước đó và sụt giảm 0,6% so với cùng kỳ năm 2017, ghi dấu mức sụt giảm lần đầu tiên trong vòng hai năm qua.

Sự suy giảm kinh tế trong quý 1 của Nhật Bản đã chấm dứt chuỗi tám quý tăng trưởng liên tiếp, được coi là “gáo nước lạnh” giáng xuống chính sách kinh tế "Abenomics" đầy tham vọng của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, dù cho các nhà phân tích dự báo kinh tế nước này sẽ sớm phục hồi, với sự cải thiện của thị trường lao động.

[Kinh tế Nhật Bản tăng trưởng ngoạn mục, cao hơn mức dự đoán]

Chi tiêu tiêu dùng cá nhân, đóng góp tới 60% GDP của Nhật Bản, cũng giảm 0,1% trong quý 1/2018, so với mức dự báo chỉ giảm 0,001% trước đó, giữa bối cảnh chi tiêu hộ gia đình bị thu hẹp do đà tăng lương chậm.

Trong khi đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong tháng Tư năm nay chỉ đạt 1.850 tỷ yen (16,86 tỷ USD), ghi nhận tháng thứ 46 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đạt thặng dư nhờ hoạt động xuất khẩu sôi động. Song con số này vẫn giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2017 do lĩnh vực dịch vụ thâm hụt sâu hơn.

Cũng trong tháng Tư, Nhật Bản đạt thặng dư thương mại 573,8 tỷ yen, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ xuất khẩu ô tô, tàu biển và các thiết bị hay sản phẩm chất bán dẫn đều tăng cao.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 4/2018 tăng 7,4% lên 6.630 tỷ yen, trong khi nhập khẩu tăng 7,7% lên 6.580 tỷ yen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.