Ngày 16/5, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý từ tháng 1-tháng 3/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý.
So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%. GDP của Nhật Bản giảm do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc tập đoàn sản xuất ôtô Toyota tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe.
Như vậy, kinh tế Nhật Bản trong quý từ tháng 1-3/2024 giảm sâu hơn các mức dự báo trước đó của các nhà kinh tế, trong đó Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Nhật Bản dự báo mức giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,29% so với quý trước đó.
Tiêu dùng cá nhân vốn đóng góp hơn 50% cho nền kinh tế Nhật Bản giảm 0,7%. Đây là quý thứ 4 liên tiếp tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản giảm và là chuỗi giảm dài nhất trong 15 năm qua, cho thấy nhu cầu trong nước đang suy yếu, một yếu tố quan trọng để Nhật Bản thúc đẩy chu kỳ tăng lương và giá, qua đó Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể tiếp tục cắt giảm chương trình kích thích tiền tệ mà ngân hàng này đã duy trì trong nỗ lực chống giảm phát nhiều năm qua.
Chi phí tài sản cố định cũng giảm 0,8%, lần giảm đầu tiên trong 2 quý, khi các công ty Nhật Bản hạn chế đầu tư vào máy móc và các mặt hàng liên quan đến ôtô sau vụ bê bối gian lận dữ liệu tại Daihatsu.
Ngành ôtô là động lực chính của nền kinh tế Nhật Bản nhưng số liệu GDP nói trên đã phản ánh tác động nghiêm trọng của vụ bê bối ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và các công ty cũng như xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong quý trên giảm 5%, bất chấp du lịch tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh đồng yen mất giá thúc đẩy du khách nước ngoài đến Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 3,4% trong bối cảnh nhập khẩu năng lượng giảm.
Các nhà phân tích cho rằng kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi trong quý từ tháng 4-tháng 6, nhưng dữ liệu cũng chỉ ra những khó khăn mà BOJ phải đối mặt trong việc theo đuổi một đợt tăng lãi suất khác trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng chậm, lạm phát và đồng yen yếu.
Nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Research & Technologies Ltd, Saisuke Sakai, cho rằng khi tăng trưởng tiền lương thực tế vẫn ở mức âm thì khó có thể mong đợi tiêu dùng tư nhân mạnh hơn. Theo chuyên gia này, để tiếp tục tăng lương, lợi nhuận doanh nghiệp rất quan trọng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải đưa ra mức lương cao hơn để giảm bớt tình trạng thiếu lao động nhưng đồng yen yếu đang trở thành một trở ngại.
Chuyên gia Sakai nhận định BOJ có thể phải đợi đến tháng 9-10 tới để tiến hành một đợt tăng lãi suất khác./.
Thống đốc BOJ nhận định kinh tế Nhật Bản trong tình trạng lạm phát
BOJ vẫn giữ quan điểm tăng lương là cần thiết để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Ngân hàng này đang theo dõi chặt chẽ kết quả đàm phán về lương giữa các nghiệp đoàn và giới quản trị.