Các nước có nền kinh tế hàng đầu ở châu Âu đang đối mặt với sự sụt giảm trầm trọng vào năm nay và theo đánh giá của các chuyên gia là "khó có thể phục hồi vào năm tới."
Nền kinh tế Đức có thể chạm đáy ngay trong quý 2 này
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ giảm khoảng 5,1% trong năm 2020, trước khi phục hồi với mức tăng 3,2% trong năm 2021.
Theo báo cáo kinh tế quý của Viện Nghiên cứu kinh tế Halle (IWH) của Đức công bố ngày 16/6, trong 6 tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Đức, khiến sản xuất sụt giảm và khó có thể phục hồi hoàn toàn trong năm tới.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức dự báo sẽ tăng “đáng kể” từ mức 5% năm 2019 lên 6,3% trong năm 2020.
[Giới chức Đức hy vọng kinh tế phục hồi trong nửa cuối năm nay]
Số liệu việc làm mới nhất trong tháng Năm cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng tới 6,1%.
IWH nhận định nền kinh tế Đức có thể chạm đáy trong quý 2/2020, giữa lúc tình hình dịch COVID-19 đã dịu bớt và chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ tháng trước.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu kinh tế ZEW của Đức công bố kết quả khảo sát cho thấy, niềm tin của các nhà đầu tư ở nước này trong tháng Sáu đã tăng lên mức cao nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo ZEW, chỉ số niềm tin của nhà đầu tư đã cộng thêm 12,4 điểm lên 63,4 điểm trong tháng 6/2020, tương đương mức ghi nhận hồi tháng 3/2006.
Chính phủ Đức đã quyết định duy trì lệnh cấm tổ chức các sự kiện lớn tới tận cuối tháng 10.
Chính phủ nước này cũng vừa giới thiệu một ứng dụng điện thoại thông minh theo dõi các ca mắc COVID-19.
Ứng dụng này sử dụng bluethooth không dây để xác định tiếp xúc trong cộng đồng và đưa ra cảnh báo nếu một người sau đó được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Ứng dụng này đã nhận được 6,5 triệu lượt tải về chỉ trong vòng 24 giờ sau khi ra mắt.
Tây Ban Nha: 1 triệu người đã lao động trở lại
Tại Tây Ban Nha, ngày 17/6, Bộ trưởng Kinh tế Nadia Calvino cho biết nền kinh tế nước này có khả năng sẽ phục hồi trong 6 tháng cuối năm sau khi chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Calvino cho hay các số liệu mới nhất về việc làm cho thấy giai đoạn phục hồi đã bắt đầu với 1 triệu người lao động nghỉ phép đã quay trở lại làm việc và 300.000 người tìm được việc làm mới và tham gia bảo hiểm xã hội.
Kinh tế Tây Ban Nha dự kiến sẽ sụt giảm kỷ lục ở mức 11,6% trong năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha dự báo Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) có thể hồi phục vào nửa cuối năm và tăng trưởng từ 7,7-9,1% vào năm sau.
Chỉ số sản xuất và dịch vụ PMIs của Tây Ban Nha cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại từ tháng Năm sau khi ngừng trệ vào tháng trước đó.
Kinh tế Bồ Đào Nha tiếp tục tăng mức giảm từ 5,7 lên 6,9
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha cho biết kinh tế nước này có thể sẽ giảm kỷ lục ở mức 15% trong quý 2 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đồng thời điều chỉnh nâng mức dự báo giảm cho cả năm 2020 lên 9,5%, mức giảm lớn nhất trong gần một thế kỷ qua.
Mức dự báo giảm cho cả năm nay của Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha "u ám" hơn so với mức ước giảm 6,9% của chính phủ nước này. Đây là một sự điều chỉnh lớn từ mức dự báo giảm 5,7% do ngân hàng đưa ra hồi tháng Ba.
Ngân hàng này cho hay tác động của dịch COVID-19 và hậu quả của các biện pháp phong tỏa ở Bồ Đào Nha và các nước khác sẽ gây ra tác động nặng nề nhất trong quý 2.
Ngân hàng Trung ương Bồ Đào Nha cho rằng nếu đại dịch COVID-19 vẫn nằm trong tầm kiểm soát và các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ, hoạt động kinh tế sẽ phục hồi từ quý 3, với tăng trưởng dự kiến đạt 5,2% trong năm 2021 và 3,8% năm 2022.
Cơ quan này cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp, vốn giảm dần xuống 6,5% vào năm 2019, sẽ tăng lên 10,1% trong năm 2020, cao hơn một chút so với ước tính 9,6% của chính phủ.
Phần Lan: Thâm hụt tài chính công sẽ tăng lên 8% GDP
Ngày 16/6, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 6% trong năm 2020, lớn hơn so với mức dự báo giảm 5,5% do bộ này đưa ra hồi tháng Tư, nhưng vẫn thấp hơn so với mức dự báo giảm khoảng 11-15% do một số chuyên gia đưa ra hồi đầu năm nay.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, đại diện của Bộ Tài chính Phần Lan cho biết việc dỡ bỏ các hạn chế nhằm khống chế dịch COVID-19 từ tháng Sáu sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế của nước này, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.
Kinh tế Phần Lan được dự báo sẽ phục hồi vào cuối năm 2020 và GDP ước sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2021 và 1,7% năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lưu ý rằng sự cải thiện lớn trong triển vọng xuất khẩu là cần thiết cho sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Phần Lan. Theo bộ này, thâm hụt tài chính công sẽ tăng lên 8% GDP và tỷ lệ nợ chính phủ tăng lên khoảng 71% GDP trong năm nay.
Cơ quan này cũng dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5% trong năm nay và sẽ bắt đầu phục hồi trong nửa cuối năm, trước khi đạt mức tăng trưởng dưới 4% vào năm 2021./.