Kinh tế Pháp: Nhìn lại một năm phục hồi để định hướng phát triển

Bên cạnh nỗ lực phòng tránh dịch, Paris đã xác định tiếp tục các giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế và tạo động lực cho phát triển bền vững.
Kinh tế Pháp: Nhìn lại một năm phục hồi để định hướng phát triển ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng COVID-19 tại Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gần một tháng kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, người dân Pháp đã có thể tự do ra ngoài, đến những nơi tụ tập đông người như nhà hàng, trung tâm thương mại, khu nghỉ mát...

Tuy nhiên, song hành cùng với việc nới lỏng là xu hướng lan rộng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Nguy cơ về một làn sóng dịch COVID-19 thứ tư đang hiện hữu, đe dọa thành quả một năm phục hồi kinh tế Pháp.

Mặc dù vậy, bên cạnh nỗ lực phòng tránh dịch, Paris đã xác định tiếp tục các giải pháp duy trì tăng trưởng kinh tế và tạo động lực cho phát triển bền vững.

Kế hoạch khôi phục kinh tế toàn diện - một năm nhìn lại

Xác định cuộc đại khủng hoảng y tế và sức khỏe lần này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến mọi mặt đời sống xã hội của đất nước, Chính phủ Pháp đã khởi động kế hoạch khôi phục kinh tế đặc biệt trị giá 100 tỷ euro (117 tỷ USD), tương đương 1/3 ngân sách nhà nước, từ tháng 8/2020, khi nước này đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba.

Ba trọng tâm chính của kế hoạch này là phát triển xanh, tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo sự gắn kết xã hội.

[Pháp hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 5% do COVID-19 tái bùng phát]

Gọi tắt là "France Relance," kế hoạch phục hồi này được huy động nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và gói trợ giúp của Liên minh châu Âu (EU).

Trong bài viết "Kế hoạch phục hồi: Nhìn lại một năm những điều cam kết" được đăng trên tờ Les Echos, tác giả Renaud Honoré viết: "Tuy không thể làm hài lòng tất cả các bên, nhưng ít nhất sau một năm, France Relance mang lại những kết quả tích cực nhất định."

Đảm bảo một môi trường sinh thái bền vững là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Pháp.

Trong tổng số hơn 4.200 dự án cải tạo năng lượng cho các tòa nhà công sở được lựa chọn vào tháng 12/2020, 45% số này đã được triển khai, 884 triệu euro đã được chi trả cho các gói tôn tạo và nâng cấp nhà ở tư nhân.

Nỗ lực khử thải carbon trong các ngành công nghiệp cũng được nhà nước chú trọng khi 740 triệu euro được đầu tư hiệu quả trong 81 dự án đầu tiên.

Chương trình khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường cũng nhận được số tiền hỗ trợ 835 triệu euro cho việc đổi hoặc mua xe thân thiện với môi trường.

Trong quy hoạch sử dụng đất đai, hoạt động kinh tế vừa và nhỏ và phát triển sinh thái, các cộng đồng địa phương đóng vai trò chính.

Thông qua "France Relance," nhà nước đã phân bổ 10,5 tỷ euro để hỗ trợ các địa phương. Khoảng 5,3 tỷ euro đã được trích ra để giúp thực hiện hơn 10.000 dự án do các chính quyền địa phương đề xuất.

Đây là những dự án cải tạo đất trống đồi trọc, nâng cấp trường học, trung tâm y tế và làm những làn đường dành riêng cho xe đạp để cải thiện cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người Pháp ở khu vực sống của họ.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhà nước đã giảm thuế sản xuất, giúp cho các công ty, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do sản xuất đình trệ vì đại dịch.

Chủ trương hỗ trợ các ngành công nghiệp thông qua việc tăng cường số hóa cũng đã đạt được thành công lớn. Việc di dời các cơ sở sản xuất trong 5 lĩnh vực quan trọng (y tế, nông sản, điện tử, hóa chất, viễn thông) cũng nhận được các gói hỗ trợ kịp thời.

Chính phủ Pháp xác định phục hồi kinh tế phải dựa vào nền tảng xã hội và trên hết là đoàn kết xã hội và lãnh thổ.

Do đó, 36 tỷ euro được phân bổ cho mục tiêu gắn kết xã hội, nhằm tạo cơ hội mới cho những người trẻ tuổi, giúp đỡ những người muốn đào tạo lại hoặc tiếp nhận các kỹ năng mới, tạo việc làm cho thanh niên, trợ giúp cho những đối tượng khó khăn nhất…

Trên tinh thần này, chính phủ đã triển khai kế hoạch “mỗi người trẻ một giải pháp,” nhờ đó hơn 1,8 triệu lượt thanh niên dưới 26 tuổi đã được tuyển dụng lao động từ 3 tháng đến không thời hạn.

Những tín hiệu tích cực

Những bước đầu của việc áp dụng các giải pháp khôi phục nền kinh tế đã đem lại hiệu quả nhất định.

Tổng thống Emmanuel Macron tin tưởng nhờ các biện pháp phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế Pháp năm 2021 có thể sẽ đạt 6%.

Kinh tế Pháp: Nhìn lại một năm phục hồi để định hướng phát triển ảnh 2Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phát biểu trên sóng truyền hình hôm 12/7, Tổng thống Macron cam kết rằng năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông sẽ là "một năm có ích."

Bên cạnh các giải pháp về y tế, Tổng thống đã nhấn mạnh việc tiếp tục kế hoạch phục hồi 100 tỷ euro đã được triển khai từ năm 2020 và khởi động một kế hoạch đầu tư mới vào đầu tháng Chín nhằm duy trì tăng trưởng và hướng tới "nước Pháp năm 2030."

Để có động lực phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng, Tổng thống chủ trương "giúp các nhà vô địch tương lai trỗi dậy, đặc biệt trong các lĩnh vực sẽ định hình tương lai của nước Pháp," theo đó sẽ ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực chiến lược như hydrogene, chất bán dẫn hoặc pin điện.

Những cải cách sắp tới được cho là sẽ có lợi cho giới trẻ và người cao tuổi. Đối với giới trẻ, vào tháng Chín tới, Chính phủ sẽ áp dụng "thu nhập có cam kết" cho những người trẻ không có việc làm hoặc đang được đào tạo.

Khoản trợ cấp này sẽ có thể lên tới 500 euro/tháng với điều kiện phải có sự giới thiệu của chính quyền địa phương hoặc trung tâm việc làm.

Ngoài ra, cuộc cải cách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được xem xét và thực hiện vào ngày 1/10 tới, kèm theo một “kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ” cho những người thất nghiệp.

Riêng về cải cách chế độ hưu trí, đây là vấn đề nhạy cảm có thể có tác động xã hội mạnh mẽ và có khả năng làm suy yếu sự phục hồi kinh tế, vì lẽ đó Tổng thống Macron lưu ý sẽ tiến hành cải cách trong lĩnh vực này sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

Ông Alain Griset, Bộ trưởng phụ trách các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính và Phục hồi, cho biết trong 5 năm tới, Quỹ tái cơ cấu cơ sở kinh doanh và bán lẻ của Pháp tiếp tục trích 60 triệu euro để hỗ trợ cho khoảng 6.000 cơ sở kinh doanh hoạt động.

Trong gói 4,2 tỷ euro tiền bồi thường do thất thu thuế, chính phủ sẽ bù đắp thất thu doanh thu của các doanh nghiệp vận tải và các cơ quan quản lý giao thông công cộng.

Nhà nước cũng sẽ đảm bảo hỗ trợ nguồn lực cho các chính quyền địa phương trong năm 2021 bằng cách bù đắp cho những thất thoát về thuế và doanh thu với một gói trợ giúp tối thiểu là 620 triệu euro như năm 2020.

Ngoài ra, "France Relance" cũng sẽ tiếp tục cung cấp cho chính quyền địa phương nguồn lực để hồi sinh sau khủng hoảng, bằng cách dành 3,7 tỷ euro cho các dự án như cải tạo đất trống đồi trọc, nâng cấp các tòa nhà công cộng, phục hồi nền kinh tế địa phương, tăng tốc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số...

Ngoài khoản trợ giúp khẩn cấp chính phủ, France Relance đưa ra một kế hoạch có bài bản nhằm hồi sinh mạng lưới giao thương, các ngành nghề thủ công và tự do, đặc biệt ở những địa phương dễ bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch.

Liên quan đến việc số hóa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, "France Relance" tiếp tục tài trợ kế hoạch đào tạo và giúp đỡ khoảng 70.000 doanh nghiệp để giúp họ cải thiện khả năng tham chiếu trực tuyến, giao tiếp tốt hơn với khách hàng, tạo trang web, số hóa việc quản lý lập hóa đơn hoặc bảo mật dữ liệu của công ty.

Dự án số hóa này có tên gọi "France Num," là sáng kiến của chính phủ về chuyển đổi kỹ thuật số cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ và được Ban chỉ đạo Doanh nghiệp phối hợp với các địa phương điều phối.

Ngoài ra, Chiến lược quốc gia về phát triển công nghệ 5G và mạng viễn thông tương lai cũng được đưa vào triển khai nhằm khẳng định sự ưu việt của nền khoa học công nghệ, tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp và nâng cao vị thế của Pháp và doanh nghiệp Pháp trên trường quốc tế.

Chiến lược này cũng là một phần quan trọng trong "France Relance," được tiến hành từ nay đến năm 2025 với tổng vốn đầu tư lên đến 1,7 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.