Kinh tế Pháp thêm khó khăn vì các cuộc đình công liên tiếp

Các cuộc biểu tình và đình công phản đối dự luật cải cách lao động đã diễn ra ba tháng qua tại Pháp, làm tê liệt hoạt động vận tải và kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế.
Kinh tế Pháp thêm khó khăn vì các cuộc đình công liên tiếp ảnh 1Cảnh sát chống bạo động ngăn người biểu tình tại Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các cuộc biểu tình và đình công phản đối dự luật cải cách lao động đã diễn ra ba tháng qua tại Pháp, làm tê liệt hoạt động vận tải và kéo theo nhiều hậu quả về kinh tế.

Thậm chí, những động thái chuẩn bị bãi công của nhiều ngành kinh tế khác cũng đang làm gia tăng lo ngại xảy ra tình trạng giao thông hỗn loạn trong thời gian diễn ra vòng chung kết Giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 (EURO 2016).

Đỉnh điểm của các cuộc biểu tình là diễn biến có tên “Nuit debout” (“Đêm đứng lên”) đã gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế Pháp. Cảnh sát cho biết đã có khoảng trên 300.000 người tham gia cuộc biểu tình lớn nhất ngày 26/5, trong khi nghiệp đoàn CGT nói rằng con số này ước tính vào khoảng 500.000 người.

Hồi cuối tháng Năm, các cuộc đình công tại nhiều cơ sở lọc dầu dẫn đến cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Pháp, buộc chính phủ nước này lần đầu tiên trong sáu năm phải huy động nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược để bù vào phần năng lượng bị thiếu hụt. Nhiều trạm xăng không còn nhiên liệu để cung cấp cho người tiêu dùng.

Nhiều công ty nhỏ phải tạm đóng cửa vì không có nhiên liệu, các phương tiện công cộng bị hạn chế đến tê liệt. Trong khi đó, công nhân các nhà máy điện hạt nhân cũng đình công.

Các cuộc biểu tình vẫn gia tăng tại Pháp trong thời gian trước khi diễn ra EURO 2016. Nhiều nhóm biểu tình thậm chí còn phong tỏa các tuyến đường và cây cầu, trong khi các lái tàu và nhiều nhân viên hàng không cũng bắt đầu đình công. Các nghiệp đoàn phản đối dự luật vẫn kêu gọi nhân viên hệ thống tàu điện ngầm Paris luân phiên đình công trong ngày khai mạc EURO 2016 ngày 10/6.

Nguyên nhân của các cuộc biểu tình gây sóng gió trên toàn nước Pháp là dự luật cải cách lao động được đưa ra ngày 18/2. Dự luật cho phép doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc sa thải công nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp đa quốc gia, đề nghị phá khung làm việc 35 giờ/tuần hiện tại nếu có sự đồng ý giữa chủ và người làm thuê.

Với biện pháp cải cách này, Chính phủ Pháp hy vọng tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc thuê nhân công và giảm tình trạng thất nghiệp, hiện vào khoảng 10% - cao hơn nước láng giềng là Đức và các nước Bắc Âu khác.

Tuy nhiên, dự luật trên ngay khi được đưa ra đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp. Những người phản đối cho rằng dự luật mới đó quá ưu ái giới chủ và ảnh hưởng không nhỏ tới các quyền cơ bản của người lao động. Họ cho rằng dự luật trên khiến cho các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho sự sa thải người lao động. Ðây là một sự thu hẹp quyền lợi và thụt lùi về tiến bộ xã hội, làm chủ doanh nghiệp có thể lạm dụng, còn người lao động luôn sống trong tình trạng bấp bênh.

Trong làn sóng biểu tình và đình công diễn ra nhiều tháng qua, nền kinh tế Pháp đang khó khăn lại càng thêm ảm đạm khi nguy cơ khủng bố vẫn chưa hết. Những cuộc biểu tình bạo động đem đến một hình ảnh rất xấu về nước Pháp khiến các nhà đầu tư nước ngoài càng ngày càng dè dặt hơn.

Các nhà quản lý trong ngành du lịch ở Paris cũng đã bày tỏ quan ngại rằng các cuộc bãi công và tuần hành thường xuyên tại Pháp đang làm cản trở du khách đến một trong những địa điểm du lịch hàng đầu thế giới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.