Kinh tế số chiếm khoảng 10% GDP của Mỹ trong năm 2018

Nghiên cứu cho thấy lĩnh vực Internet tạo gần 6 triệu việc làm trực tiếp, chiếm 4% tổng số việc làm của Mỹ, và gián tiếp hỗ trợ cho 13 triệu việc làm khác.
Internet là lĩnh vực lớn thứ tư của kinh tế Mỹ. (Nguồn: phys.org)

Hiệp hội Internet của Mỹ ngày 26/9 cho biết lĩnh vực Internet đang phát triển nhanh chóng đã đóng góp 2.100 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ trong năm 2018, chiếm khoảng 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Internet, tổ chức đại diện cho Amazon, Facebook, Alphabet, Twitter, Uber và nhiều công ty khác, Internet là lĩnh vực lớn thứ tư của kinh tế Mỹ, sau bất động sản, mua sắm chính phủ và chế tạo.

Nghiên cứu cho thấy lĩnh vực Internet tạo gần 6 triệu việc làm trực tiếp, chiếm 4% tổng số việc làm của Mỹ, và gián tiếp hỗ trợ cho 13 triệu việc làm khác. Bên cạnh đó, các công ty Internet chi tới 64 tỷ USD cho các tài sản cố định.

[Xói mòn niềm tin tiêu dùng: Rủi ro lớn đối với kinh tế Mỹ]

Trước đó, năm 2015, Hiệp hội Internet ước tính lĩnh vực này đóng góp 966,2 tỷ USD (tương đương 6% GDP) cho kinh tế Mỹ trong năm 2014.

Cơ quan phân tích kinh tế Mỹ (BEA) hồi tháng Tư ước tính “kinh tế số” chiếm 6,9%, hay 1.350 tỷ USD, trong GDP của Mỹ năm 2017, qua đó đứng ở vị trí thứ bảy trong nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Nghiên cứu của BEA còn cho biết những người làm việc trong nền kinh tế số của Mỹ có thu nhập trung bình 132.223 USD năm 2017, cao hơn nhiều so với mức trung bình 68.506 USD/người của cả nền kinh tế Mỹ.

Khái niệm “kinh tế số” nói trên bao gồm hạ tầng số, các giao dịch thương mại điện tử và truyền thông số, nhưng không bao gồm các dịch vụ chia sẻ xe, hay các hàng hóa và dịch vụ khác liên quan đến nền kinh tế "chia sẻ."

Chuyên gia kinh tế trưởng của Hiệp hội Christopher Hooton cho biết lĩnh vực Internet đang tạo ra việc làm ở mọi ngành nghề của nền kinh tế.

Kết quả nghiên cứu trên được Hiệp hội Internet đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ đang ngày càng bị chỉ trích, khi nhiều nhà hoạch định chính sách kêu gọi chia tách các công ty lớn và đưa ra các biện pháp kiểm soát chống độc quyền mới đối với lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục