Theo CNBC, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang kể từ năm 2018, hai bên liên tục tung đòn áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa của nhau.
Xung đột thương mại giữa hai bên làm dấy lên mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như tình hình kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng gây biến động trên các thị trường.
Ông Bruce Richards, Giám đốc điều hành của hãng quản lý tài sản Marathon, nhận định rằng nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ là sự xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.
Ông Richards nhấn mạnh nếu lòng tin của người tiêu dùng bắt đầu bị tổn thương, điều này sẽ vô cùng đáng ngại bởi 2/3 nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào tiêu dùng. Cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp cũng đang suy giảm.
["Cắt giảm lãi suất mạnh hơn giúp Mỹ chống lại suy thoái kinh tế"]
Bà Callahan Erdoes, Giám đốc điều hành J.P. Morgan Asset Management, công ty con của Tập đoàn Tài chính J.P. Morgan Chase (Mỹ), nhận định rằng “rất nhiều tiền đang đổ vào trái phiếu.”
Bà Erdoes cho rằng bất chấp những cơn gió ngược mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt, họ có nguy cơ mất đi lợi nhuận dài hạn vì hiệu quả đầu tư thấp. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu đã giảm mạnh trong năm nay do các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục nới lỏng chính sách nhằm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Đáng chú ý là sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã hạ lãi suất lần thứ hai trong năm 2019.
Phát biểu với CNBC, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Sarah Bloom Ruskin, cho rằng sự bất ổn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và có thể kéo theo sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ.
Bà Ruskin nhận định rằng trên thực tế, một trong những yếu tố kìm hãm kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới là sự bất ổn do căng thẳng thương mại gây nên, và rất khó có thể dự báo được kết quả cuối cùng.
Trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà kinh tế của Fed về sự bất ổn dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại như thế nào, bà Raskin cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm không nhất thiết do cuộc chiến thương mại, hay thuế quan dẫn đến kinh tế giảm tốc, mà chính sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại là nguyên nhân của sự giảm tốc.
Đồng quan điểm với bà Ruskin, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng New York Mellon, ông Shamik Dhar nhận định rằng “các mức thuế mà chúng ta chứng kiến cho đến nay không đủ lớn để giải thích cho sự suy giảm của thương mại toàn cầu. Các công ty và nhà đầu tư lo ngại nhiều kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra, do đó họ đã và đang cắt giảm đầu tư."
Giám đốc điều hành của công ty Pacific Investment Management Co (Pimco), Emmanuel Roman mới đây đưa ra dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua một thời kỳ khó khăn vào đầu năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị Delivering Alpha do đài CNBC và tạp chí Istitutional Investor tài trợ, ông Roman nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc,” và lưu ý rằng trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chỉ ở mức trên 1% một chút do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Ông Roman lưu ý rằng ngoài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các vấn đề khác trên thế giới, bao gồm cả việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Saudi Arabia cũng khiến triển vọng kinh tế Mỹ trở nên ảm đạm.
Ông Roman nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng. Theo ông, người tiêu dùng là điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, song lĩnh vực sản xuất đã suy giảm, kinh tế Mỹ lâm vào tình cảnh khó khăn.
Ông Roman nói: “Các bạn sẽ chứng kiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm 2020, song 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn.”
Chỉ số S&P 500 được coi là “đại diện” của nền kinh tế vì nó tập hợp 500 công ty hoạt động trong các ngành công nghiệp và trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của Mỹ. 500 cổ phiếu thành phần khiến cho giá trị chỉ số này liên tục thay đổi và biến động không ngừng.
Trong khi đó, Pimco là một trong những hãng quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới, hiện đang quản lý 1.800 tỷ USD. Do đó, những dự báo của hãng này kết hợp với chỉ số S&P 500 là cơ sở dữ liệu có giá trị nghiên cứu về thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay.
Có thể nói, kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã nhiều lần thông báo "đình chiến", chính Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố đôi bên đang “cận kề” một giải pháp để khai thông bế tắc trên hồ sơ thương mại.
Dù vậy, Washington và Bắc Kinh vẫn dùng những biện pháp “ăn miếng trả miếng” và tiếp tục lao vào một cuộc đọ sức bất chấp những cảnh báo rằng cuộc chiến thương mại đe dọa đến tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ lẫn Trung Quốc và của toàn thế giới.
Theo khảo sát của tờ Wall Street Journal, cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc - cụ thể là việc hai nước bắt đầu áp đợt thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của nhau từ ngày 1/9 - đang làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu, gây hoang mang cho các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, làm suy giảm giao thương giữa các nền công nghiệp lớn ở châu Á và gây thiệt hại cho các nhà máy theo hướng xuất khẩu ở châu Âu.
Theo một cuộc khảo sát hàng tháng đối với hơn 670 công ty nhỏ, niềm tin vào nền kinh tế của các công ty này ở Mỹ đã giảm trong tháng 8/2019, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2012. Tỷ lệ những người cho rằng thể trạng kinh tế Mỹ sẽ xấu đi trong 12 tháng tới đã tăng lên 40%, so với 29% vào tháng Bảy và 23% một năm trước.
Wall Street Journal dẫn lời ông Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit - đơn vị thực hiện cuộc khảo sát này, cho hay: “Cuộc chiến thương mại và thuế quan vẫn là mối quan tâm lớn nhất của các nhà sản xuất, và sự leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu trong tháng Tám đã càng khiến mọi người e ngại rủi ro.”
Trong khi đó, Mỹ vẫn đang tiêu thụ quá mức. Dữ liệu gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy trong năm tài chính này, chi tiêu chính phủ đã tăng 7% lên 4.100 tỷ USD, còn các khoản thuế nhà nước thu được chỉ tăng 3%, đạt khoảng 3.100 tỷ USD. Kết quả là lần đầu tiên trong 7 năm, thâm hụt ngân sách Chính phủ Mỹ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD, bởi chi tiêu công đã vượt quá khoản thuế thu được. Để đối phó với gánh nặng nợ nần, Mỹ tính đến việc phát hành trái phiếu 50 năm.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Bộ này đang phân tích các lựa chọn để thu hút đầu tư dài hạn. Nếu có nhu cầu cao về trái phiếu chính phủ và mức chênh lệch giữa trái phiếu 30 năm và 50 năm là phù hợp, Mỹ sẽ lại sử dụng các khoản tiền vay dài hạn.
Những khoản vay như vậy có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Một mặt, khoản vay dài hạn cho phép tái tài trợ cho khoản nợ hiện tại, nghĩa là giải quyết vấn đề dịch vụ nợ công khổng lồ trong ngắn hạn. Mặt khác, gánh nặng nợ ngày càng tăng vì những lý do khách quan.
Chẳng hạn, chính sách giảm thuế mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt ngân sách nghiêm trọng hiện nay. Vì vậy, nếu Mỹ không giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề đang tồn tại, thì việc tái cấp vốn cho các khoản nợ chỉ là một biện pháp nửa vời, bởi khoản vay càng dài thì càng tốn kém.
Theo CNN, mặc dù ông Trump có thể phủ nhận rằng cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc có thể gây hỗn loạn cho nền kinh tế Mỹ, song các quốc gia khác đã cảm thấy bị ảnh hưởng và tác động này có thể sâu rộng - trong một số trường hợp có thể để lại hậu quả lâu dài sau khi cuộc chiến thuế quan chấm dứt. Đó là lý do vì sao tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển (G7) ở Pháp, các thành viên của nhóm đã lên tiếng chống lại việc phát động chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã thẳng thừng nói về “những tranh chấp vô nghĩa”, đồng thời cảnh báo rằng “cuộc chiến thương mại sẽ dẫn đến suy thoái.”
CNN nhận định: “Trung Quốc không phải là một đối tác công bằng trong thương mại và nếu chính sách của ông Trump bằng cách nào đó làm thay đổi hành vi của Trung Quốc, nhiều người sẽ vui mừng. Tuy nhiên, trong lúc đó, thiệt hại đang lan rộng và những người chỉ trích cho rằng có nhiều cách tốt hơn để giải quyết vấn đề, bao gồm việc cùng hợp tác với các đồng minh thay vì liên tục đe dọa họ.”
Ngày 1/9, mức thuế mới đánh vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc với tổng giá trị 110 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả quần áo và đồ điện tử, đã có hiệu lực tại Mỹ.
Tại Trung Quốc, cũng từ thời điểm đó, loại thuế đối ứng cho việc nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ - bao gồm đậu tương, dầu và dược phẩm - cũng bắt đầu được kích hoạt. Ngoài ra, mức thuế 15% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc - bao gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay, đồ chơi và trò chơi điện tử, với tổng giá trị 156 tỷ USD - dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12 tới.
Ngày 2/9, Bắc Kinh cho biết họ đã đệ đơn khiếu nại về các khoản thuế mới của Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)./.