Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các ngành công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ thương mại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... trong 8 tháng năm nay tiếp tục có đà tăng trưởng tốt.
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao ảnh 1Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là các ngành công nghiệp, nông nghiệp dịch vụ thương mại, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... trong 8 tháng năm nay tiếp tục có đà tăng trưởng tốt.

Đây là nhận định được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách 8 tháng năm 2017, ngày 5/9.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố 8 tháng ước đạt 599.160 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ. Chỉ số ngành công nghiệp 8 tháng qua tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số này, bốn ngành công nghiệp trọng yếu gồm: cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất-cao su-nhựa và chế biến lương thực thực phẩm tiếp tục được mở rộng thị trường; đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm tăng 11,8% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.

[TP Hồ Chí Minh mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn lâu dài]

Từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh cấp phép thành lập mới 26.614 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 358.890 tỷ đồng, tăng 13,1% về số lượng doanh nghiệp và tăng 82,9% về vốn đăng ký. Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đến nay đã có 1.171 hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong 8 tháng cũng đạt 3,23 tỷ USD, tăng gấp 1,57 lần so với cùng kỳ.

Để đạt được những tín hiệu tích cực trên, theo ông Sử Ngọc Anh, từ đầu năm đến nay, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp….

Cùng đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ về giống và áp dụng công nghệ, tư vấn và hỗ trợ cải tiến kỹ thuật, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất hoa lan; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, phát triển giống cây, giống con chất lượng cao, hoa - cây kiểng, rau an toàn, giống bò thịt, nâng cao chất lượng đàn bò sữa... Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt 7.635,7 tỷ đồng, tăng 6,5% so cùng kỳ.

Trong lĩnh vực thu chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước của Thành phố ước thực hiện 8 tháng qua là 224.010 tỷ đồng, đạt 64,39% dự toán và tăng 11,47% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện 8 tháng là 33.588 tỷ đồng, đạt 47,54% dự toán và tăng 20,64% so cùng kỳ.

Để tiếp tục duy trì kết quả này, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đề nghị các ngành liên quan tiếp tục hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó, nâng cao chất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp đồng thời đề xuất giải pháp thiết thực nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và thị trường bán lẻ của thành phố.

Mặt khác, các địa phương cần thường xuyên rà soát các hộ kinh doanh đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp; tiếp tục tuyên truyền và huống dẫn các thủ tục để đăng ký hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Cục Thuế Thành phố tiếp tục chỉ đạo các Chi cục Thuế hỗ trợ, hướng dẫn hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp làm báo cáo thuế và thủ tục về thuế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển, mở rộng quy mô. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính rà soát loại bỏ thủ tục không cần thiết phát sinh chi phí phi chính thức; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.