Kinh tế thế giới 2020: Đi qua những khoảng tối của đại dịch

Hầu hết các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều có chung nhận định kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi trong ngắn hạn mà sẽ phải mất nhiều năm trời.
Kinh tế thế giới 2020: Đi qua những khoảng tối của đại dịch ảnh 1Các nước châu Âu tiếp tục phải áp đặt lệnh phong tỏa do dịch bệnh. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong năm 2020, các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu phải chứng kiến mức suy giảm mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Dù các nền kinh tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 3/2020, con đường trở lại bình thường vẫn chưa có gì chắc chắn khi vắcxin ngừa COVID-19 đã được phân phối tại nhiều quốc gia nhưng số ca mắc mới vẫn gia tăng vào dịp cuối năm.

Từ những khoảng tối vào nửa đầu năm

Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong quý 2/2020 suy giảm 31,4%, số liệu kém nhất kể từ năm 1947, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng sụt giảm mạnh mẽ tới 34%. Trước đó, kinh tế nước này đã giảm 5% trong quý 1/2020 và chính thức rơi vào suy thoái do dịch COVID-19, chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài 11 năm liên tiếp - giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Tại châu Âu, tình hình cũng không kém phần ảm đạm khi trong quý 2/2020, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng COVID-19 với GDP giảm 12,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1995, sau khi giảm 3,8% trong quý 1/2020 do hoạt động kinh doanh đình trệ khi các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Một số nền kinh tế lớn thuộc Eurozone như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều thông báo GDP sụt giảm mạnh trong quý 2/2020. Đức thông báo GDP sụt 10,1%, trong khi GDP của Pháp hạ 13,8%, Italy giảm 12,4%, và Tây Ban Nha - một trong số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh - ghi nhận GDP giảm tới 18,5%. Riêng đối với Đức, nước luôn đóng vai trò “đầu tàu” kinh tế của châu Âu, mức sụt giảm GDP trong quý 2/2020 là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê GDP theo quý từ năm 1970.

Tại châu Á, kinh tế Nhật Bản cũng lần đầu tiên rơi vào suy thoái kể từ năm 2015 do nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng âm hai quý liên tiếp trước tác động của đại dịch COVID-19. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của Nhật Bản giảm tới 3,4% trong quý 2/2020, khi cả tiêu dùng tư nhân, chi tiêu vốn và xuất khẩu đều sụt giảm. Trong quý II, kinh tế nước này giảm 28,8%. Trước đó, trong quý 4/2019, kinh tế Nhật Bản đã giảm 7,3%.

Trong khi đó, Trung Quốc lại có triển vọng sáng hơn, khi việc kiểm soát tốt dịch bệnh đã giúp nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,2% trong quý 2/2020, sau khi giảm 6,8% trong quý 1/2020. Tuy vậy, nhu cầu toàn cầu yếu và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc là những rủi ro chính đối với sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Để hỗ trợ các nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn chưa từng có do tác động của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên trong lịch sử, ngân hàng trung ương tại 60% số nền kinh tế toàn cầu đã hạ lãi suất xuống dưới 1% và nhiều nền kinh tế thậm chí đã áp dụng lãi suất âm.

Trong tháng 3/2020, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hai lần hạ lãi suất khẩn cấp. Một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Australia... đã hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục. Cùng với biện pháp hạ lãi suất, các ngân hàng trung ương đã phải tính tới các chính sách tiền tệ bất thường.

Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Mỹ chi số tiền cứu trợ chưa từng có lên tới hàng nghìn tỷ USD để kích thích tiêu dùng và bảo đảm việc làm. Nhật Bản đã công bố ba gói kích thích có tổng trị giá 2.410 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch, trong đó có các biện pháp hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình và cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ. Liên minh châu Âu cũng đưa ra Quỹ Phục hồi trị giá 750 tỷ euro (860 tỷ USD).

Đến sự phục hồi mạnh mẽ

Sau khi suy giảm kỷ lục, kinh tế Mỹ bắt đầu ghi nhận sự phục hồi mạnh, khi tăng trưởng 33,4% trong quý 3/2020. Đây là mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1947. Theo Bộ Thương mại Mỹ, chính việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng chi tiêu đã góp phần giúp nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong quý 3/2020.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo phần lớn thành quả này là do gói hỗ trợ trị giá hơn 2.000 tỷ USD của Chính phủ Mỹ trong những tuần đầu của đại dịch COVID-19. Các dữ liệu khác cho thấy chi tiêu đã "hạ nhiệt" trong tháng 9/2020 và quá trình phục hồi cũng đang đi xuống.

Mặc dù gói cứu trợ của Chính phủ Mỹ đã giúp thúc đẩy tiêu dùng, nhưng những tác động nặng nề của dịch COVID-19 sẽ khiến nền kinh tế nước này mất ít nhất một năm mới có thể phục hồi.

[COVID-19 đưa đến những thay đổi vĩnh viễn trong nền kinh tế toàn cầu]

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi trong quý 3/2020, sau khi vượt qua cú sốc đến từ cuộc khủng hoảng COVID-19 với mức tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc sẽ giúp khởi động lại nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, giữa bối cảnh các nền kinh tế lớn khác đang phải vật lộn với tình trạng phong tỏa kéo dài và làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Trong quý 3/2020, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái, phục hồi mạnh sau khi giảm kỷ lục thời hậu chiến, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần thoát khỏi tác động từ đại dịch COVID-19. Đó là quý đầu tiên kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trong bốn quý.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lo ngại rằng kinh tế Nhật Bản sẽ mất đà phục hồi, khi sự bùng phát trở lại của các ca mắc COVID-19 trong và ngoài nước sẽ gây áp lực lên nhu cầu. Chuyên gia kinh tế cấp cao Takumi Tsunoda tại Shinkin Central Bank Research dự báo, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm tốc nếu kinh tế Mỹ chuyển biến xấu, qua đó ảnh hưởng mạnh mẽ tới Trung Quốc - thị trường xuất khẩu của nước này.

Cùng vô vàn những rủi ro

Đại dịch COVID-19 gần đây đang diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn tại Mỹ, thậm chí nhiều chuyên gia cảnh báo làn sóng này còn thảm khốc hơn cả giai đoạn bùng phát đỉnh điểm hồi đầu năm. Mỹ đã "nối gót" châu Âu tái áp dụng các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội mới nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch.

Trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế Mỹ một lần nữa sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn và có nguy cơ mất hết những tiến bộ đạt được trong việc tái thiết nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp có khả năng phải tiếp tục đóng cửa và tình trạng mất việc làm sẽ tiếp tục hủy hoại thị trường lao động. Sự phục hồi của thị trường lao động có thể chậm lại hoặc thậm chí bị đảo ngược trong những tháng tới khi Mỹ nỗ lực kiểm soát đại dịch.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters, Eurozone đang trên đà suy thoái kép lần đầu tiên trong gần 10 năm. Dự báo, kinh tế khu vực này sẽ giảm 2,5% trong quý IV sau khi tăng kỷ lục 12,3% trong quý 3/2020.

Với nền kinh tế Nhật Bản, dù có những dấu hiệu cải thiện trong những tháng gần đây, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế nước này sẽ giảm 5,6% trong tài khóa 2020 (kết thúc vào cuối tháng 3/2021) và có thể mất nhiều năm để quay về mức trước đại dịch.

Đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu, hầu hết các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều có chung nhận định kinh tế toàn cầu khó có thể phục hồi trong ngắn hạn.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vắcxin ngừa COVID-19 là nhân tố giúp thúc đẩy đà phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các biện pháp ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch COVID-19 vẫn cần áp đặt trong vài tháng tới. Con đường phía trước sẽ sáng hơn nhưng vẫn còn nhiều thách thức./.

Kinh tế thế giới 2020: Đi qua những khoảng tối của đại dịch ảnh 2Kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.