Kinh tế thế giới mất ít nhất 2 năm để phục hồi hậu COVID-19

Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, Christopher Pissarides, nhận định quá trình phục hồi sẽ cần thời gian ít nhất là hai năm và nền kinh tế không thể khởi động đơn giản chỉ bằng cách "ấn nút."
Kinh tế thế giới mất ít nhất 2 năm để phục hồi hậu COVID-19 ảnh 1Bốc dỡ container hàng hóa tại cảng Botany ở Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kinh tế toàn cầu phải mất ít nhất hai năm để hồi phục sau đại dịch COVID-19 là nhận định của các quan chức và giới chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Delphi VI, diễn ra tại thủ đô Athens của Hy Lạp theo hình thức trực tuyến.

Tại sự kiện này, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, Christopher Pissarides, nhận định quá trình phục hồi sẽ cần thời gian ít nhất là hai năm và nền kinh tế không thể khởi động đơn giản chỉ bằng cách "ấn nút."

Đồng quan điểm trên, ông Gunther Oettinger, cựu Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Nguồn nhân lực, cho biết nền kinh tế sẽ trở lại trạng thái bình thường chậm nhất là vào năm 2024.

Trong khi đó, ông Barry Eichengreen, Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, cho biết so với cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, sự phục hồi lần này sẽ nhanh hơn nhưng "sẽ không nhanh như việc bật công tắc."

Cũng tại diễn đàn này, Bộ trưởng Tài chính Luxembourg Pierre Gramegna nhận định khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ là cuộc “khủng hoảng hình chữ V," vì vậy sau tình trạng suy thoái sâu sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ.

[IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức cao kỷ lục]

Tuy nhiên, ông Gramegna cũng nhấn mạnh các chính phủ không nên lặp lại những sai lầm trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Theo quan chức này, thay vì gấp rút khôi phục ngân sách như nhiều nước đã thực hiện trong cuộc khủng hoảng trước, thì lúc này cần phải chú trọng đầu tư để tạo đà phục hồi.

Đề cập ở khía cạnh khác, cựu Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 được xem là chất xúc tác cho nền kinh tế châu Âu và thế giới. Theo ông, đây là lời cảnh tỉnh giúp phát hiện những điểm yếu của các nền kinh tế và đẩy nhanh tiến trình số hóa.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng nêu bật tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế để giải quyết khủng hoảng.

Diễn đàn kinh tế Delphi diễn ra từ ngày 10-15/5 với chương trình nghị sự bao gồm nội dung như kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, công nghệ và sức khỏe. Hơn 1.000 khách mời từ khoảng 40 quốc gia đã tham gia sự kiện trực tuyến này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.