Tháng 7/1995, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ và hiện là đối tác toàn diện. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển hơn, trong đó, quan hệ kinh tế-thương mại luôn được xem là điểm sáng nổi bật nhất, nối liền hai quốc gia xuyên suốt chặng đường lịch sử.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đoàn phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) để nhìn lại những thành tựu kinh tế mà hai bên đã đạt được và những triển vọng mới trong tương lai giữa hai quốc gia.
- Ông đánh giá thế nào về quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ?
Ông Nguyễn Đình Lương: Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp và có các yếu tố cần thiết để quan hệ đó phát triển hơn nữa.
Kinh tế thương mại đã trở thành trụ cột chính của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Chính lợi ích kinh tế đã kéo hai quốc gia lại gần nhau, tạo nên sự giao lưu nhộn nhịp giữa hai quốc gia và từ đó phát sinh, phát triển những mối quan hệ khác.
- Những thành tựu nổi bật nhất trong quan hệ kinh tế-thương mại hai nước là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lương: Có thể nêu mấy thành tựu đối với nền kinh tế Việt Nam. Đó là đã tạo ra được một sự phát triển bứt phá đối với nền kinh tế Việt Nam. Kinh tế Việt Nam đã phát triển nhờ tăng nhanh xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Nền kinh tế nước nhà đang được cấu trúc lại cho phù hợp với kinh tế thế giới, đồng thời hình thành và phát triển nhiều ngành kinh tế mới nhất là kinh tế dịch vụ như dịch vụ viễn thông, tài chính ngân hàng, vận tải đường bộ, đường không…
Việt Nam đang xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại để điều tiết nền kinh tế thị trường thời hội nhập phù hợp với các tiêu chí của WTO.
Sự phát triển kinh tế đó là bằng chứng có sức thuyết phục nhất để thay đổi tư duy nhận thức của xã hội, thay đổi sự đánh giá về sự cần thiết phải hợp tác với Hoa Kỳ, sự cần thiết phải hội nhập kinh tế để phát triển.
- Trong nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác giữa hai bên, BTA được xem là thành công lớn nhất mà Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được. Tuy nhiên, để BTA trở thành hiện thực là cả một chặng đường với nhiều chông gai. Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, trở ngại trong quá trình đàm phán này?
Ông Nguyễn Đình Lương: Đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ là cuộc đàm phán kéo dài 5 năm với những khó khăn đến từ hai phía. Cuộc đàm phán đi tìm cái chung giữa hai hệ thống kinh tế hoàn toàn khác biệt: kinh tế bao cấp và kinh tế thị trường. Tư duy kinh tế khác, luật lệ khác, chính sách khác, nói chung cái gì cũng khác.
Cuộc đàm phán này để Việt Nam rời bỏ nền kinh tế bao cấp trì trệ, đưa kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thị trường để hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới. Thời điểm đó, ở Việt Nam khó tìm được sự đồng thuận khi nói chuyện với Hoa Kỳ.
Nhận thức được rằng thời đại đã thay đổi, nền kinh tế thế giới đã thay đổi, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng có nhu cầu hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ. Việt Nam cũng nhận thức được rằng hệ thống pháp luật còn có những tồn tại, không thể triển khai được nền kinh tế thị trường để hội nhập.
Chính vì vậy mà hai bên đã nỗ lực tháo gỡ những khác biệt để thiết kế khung pháp lý chung vận hành quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước.
- Dường như doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế BTA tốt hơn doanh nghiệp Hoa kỳ. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Lương: Phải hiểu rằng với BTA, Hoa Kỳ mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam và Việt Nam mở cửa nền kinh tế cho hàng hóa, đầu tư Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp cả Việt Nam, Hoa Kỳ quan tâm khai thác, các doanh nghiệp khác ở châu Âu, châu Á cũng quan tâm khai thác.
Trước hết, họ đưa đơn đặt hàng gia công, tổ chức sản xuất ở Việt Nam để xuất khẩu vào Hoa Kỳ, cụ thể là các mặt hàng như may mặc, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử…
Con số xuất khẩu gần 30 tỷ USD từ Việt Nam sang Hoa Kỳ năm 2014 là của chung của nhiều công ty, của nhiều nước, không tách ra ai được bao nhiêu, nhưng anh nào giỏi hơn thì được nhiều hơn.
Có nhiều người thắc mắc là hàng xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam còn ít, có lý do bởi hàng tiêu dùng của Hoa Kỳ là hàng cao cấp và sức mua ở thị trường Việt Nam chưa cao.
Thứ nữa, Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là các thiết bị máy móc hay nông sản như táo, nho, thịt bò. Thứ được mong chờ nhất là công nghệ và thiết bị máy móc nhưng hiện nay đang bị hạn chế vì Hoa Kỳ không cạnh tranh được với các nước châu Á trong đấu thầu.
- Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ và hơn 15 năm BTA có hiệu lực, theo ông đâu là vấn đề cần quan tâm trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước? Ông có cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ hay chưa?
Ông Nguyễn Đình Lương: Các tập đoàn Mỹ phần lớn là các tập đoàn lớn, trong đó có những tập đoàn đang chi phối những lĩnh vực kinh tế trên thế giới. Họ làm ăn lớn, họ chỉ bỏ tiền ra kinh doanh khi họ tin chắc thành công, khi có môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự báo được kết quả. Theo tôi thì Việt Nam chưa có được môi trường đó.
Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt để sớm có một môi trường đầu tư theo sự yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Đảng và Nhà nước đang quyết liệt xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, tham nhũng, quan liêu.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa nhiều. Có lẽ sau tập đoàn Intel thì những nhà đầu tư khác sẽ vào đây để bán hàng. Họ đang trông chờ vào một môi trường đầu tư sau TPP.
- Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được dự đoán sẽ tạo ra các cơ hội mới, tăng cường kinh tế-thương mại giữa các quốc gia thành viên. Theo ông, đối với Việt Nam, triển vọng TPP là gì?
Ông Nguyễn Đình Lương: Trong thời đại ngày nay, thường thì đầu tư đi với xuất khẩu. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa ngày nay thì đầu tư đi liền với xuất nhập khẩu. Ví dụ như Intel đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu. TPP sẽ góp phần tăng trưởng cả đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.
Kinh tế hội nhập là kinh tế kết nối, lợi ích quan trọng và bền vững mà TPP mang đến cho Việt Nam có thể là kinh tế Việt Nam sẽ kết nối sâu hơn, chặt hơn với các nền kinh tế thành viên TPP phát triển như Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Australia .…
Tôi có cảm giác rằng quá trình kết nối đó đã được khởi động, trước hết là từ Nhật Bản và Singapore. Chẳng hạn như Singapore đang tích cực phát triển các khu kinh tế khắp cả Việt Nam,và người Nhật cũng đang có xu hướng chuyển ngành nông nghiệp đắt đỏ của họ sang Việt Nam.
- Bài học nào có thể rút ra từ thực hiện BTA khi chúng ta bước vào sân chơi TPP sắp tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lương: Tôi cho rằng BTA đã tác động rất sâu sắc vào nền kinh tế Việt Nam và TPP sẽ còn tác động sâu hơn nữa. Bài học ở đây là Việt Nam nên chủ động để khai thác tốt hơn những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực.
Việt Nam phải chuẩn bị tốt hơn, triển khai tốt hơn cả từ phía Chính phủ, từ phía Nhà nước và các doanh nghiệp của Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.