Giá than đã tăng vọt so với một năm trước, giá gỗ giao sau tăng gấp ba lần lên mức kỷ lục mới vào cùng giai đoạn. Thép cũng tăng giá, trong khi giá ngô và đậu nành đã có những đợt phục hồi vào thời kỳ đại dịch.
Giá các loại hàng hóa giao dịch trên thị trường toàn cầu đã liên tục tăng trong thời gian qua. Điều này đồng nghĩa là các tàu vận chuyển sẽ phải hoạt động không ngưng nghỉ, qua đó tiếp tục kéo chi phí vận tải “leo thang.”
Tính riêng từ đầu năm tới nay, chi phí vận chuyển hàng hóa đã tăng hơn 50%. Ban đầu, chi phí vận chuyển hàng hóa được thúc đẩy nhờ sự phục hồi sản xuất ở Trung Quốc.
Tới hiện tại, các loại phí vận tải hàng hóa này này đang tăng ở nhiều nơi khác khi các quốc gia nỗ lực xây dựng lại kho dự trữ đã cạn kiệt trong thời gian nền kinh tế phải ngừng hoạt động.
Các nhà phân tích cho biết đợt tăng giá này sẽ chưa kết thúc. Theo một báo cáo ngày 7/4 từ hãng tin Bloomberg, giá cước vận chuyển để chở các loại hàng hóa như ngũ cốc, quặng sắt và than đá - được gọi là hàng rời - dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong năm nay và có thể kéo dài tới năm 2022.
Ông Burak Cetinok, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty môi giới vận tải Arrow Shipbroking Group cho biết đây là thời điểm các ngành công nghiệp xây dựng kho dự trữ của mình.
[IMF đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh vượt Mỹ và EU]
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cho ngành chế tạo cũng phản ánh quan điểm đó. Trong tháng 3/2021, các chỉ số này đồng loạt tăng trên khắp châu Á, Mỹ và phần lớn châu Âu.
Một yếu tố nhiều hứa hẹn khác là các ngành dịch vụ cũng đang phát triển nở rộ. Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 8,4% trong năm nay, cao hơn so với dự báo hồi tháng 1/2021 là 8,1% sau khi đã giảm 8,5% vào năm 2020.
Báo cáo của IMF lưu ý giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu mỏ, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
Điều đó không hề giúp giảm chi phí vận chuyển hàng hóa vốn đã phi mã, bên cạnh tình trạng tắc nghẽn dọc theo các tuyến đường thương mại.
Khoảng 90 tàu vận chuyển hàng rời đã mắc kẹt ở Kênh đào Suez sau khi siêu tàu container Ever Given mắc kẹt ở một trong những kênh vận chuyển quan trọng nhất thế giới. Tình trạng tắc nghẽn chỉ kéo dài sáu ngày, nhưng đã làm tăng thêm tình trạng căng thẳng nói chung của thị trường vận tải hàng rời.
Hơn nữa, đội tàu vận tải hàng rời dự kiến sẽ không mở rộng khi có rất ít đơn đặt hàng cho loại tàu này.
Ông Lars-Christian Svensen, Giám đốc thương mại tại công ty vận tải Golden Ocean Group cho biết triển vọng hoạt động của thị trường vận tải khá tích cực cho năm nay và năm sau.
Ông nhận định thị trường hàng hóa khô rời đã chững lại trong vài năm qua, song chúng đang phát triển mạnh mẽ trong thời điểm hiện tại./.