Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ xuất hiện lạm phát đình trệ

Bên cạnh doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cảm nhận được áp lực giá cả gia tăng, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng. Kết quả là sự tăng giá đã phản ánh xu hướng lạm phát toàn cầu.
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở thủ đô Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đều có cảm nhận giống nhau về vấn đề chi phí gia tăng trong thời gian gần đây.

Theo Hiệp hội xây dựng Singapore, lương bình quân của công nhân xây dựng đã tăng 46% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.

Nếu tính cả thuế lao động nước ngoài, chi phí ăn ở, xét nghiệm COVID-19 bắt buộc và chi phí của các cơ sở quản lý an toàn khác, giá thuê lao động đã tăng gấp đôi.

Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng cũng gia tăng đáng kể, trong đó thép cây tăng 54%, nhôm tăng 59%, đồng tăng 81% và bêtông tăng hơn 20%.

Bên cạnh doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng cảm nhận được áp lực giá cả gia tăng, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng. Kết quả là, sự tăng giá đã phản ánh xu hướng lạm phát toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phát đi những tín hiệu hồi phục mạnh mẽ, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh vào về nguy cơ xảy ra tình trạng lạm phát đình trệ (stagflation), là hiện tượng kinh tế tăng trưởng kinh tế thấp trong khi tỷ lệ lạm phát cao.

Những kỷ lục mới

Chỉ số giá cả của chi phí tiêu dùng cá nhân (PCE lõi) trong tháng 8/2021 của Mỹ tăng 3,6%, trong khi chỉ số này của Anh tăng 3,1%, cũng là mức cao mới trong nhiều năm trở lại đây.

Thực trạng này khiến nhiều chuyên gia lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ quay lại tình trạng lạm phát đình trệ của thập niên 1970.

[Infographics] IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021

Giới chuyên gia kinh tế phổ biến cho rằng lạm phát tăng chủ yếu do nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới tái khởi động, dựa trên hiệu ứng cơ sở thấp của năm 2020, nên tỷ lệ lạm phát tăng mạnh.

Tiếp đó là trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, chính phủ các nước đã tung ra các gói kích thích kinh tế với tổng giá trị lên đến 10.400 tỷ USD để kích thích nhu cầu.

Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, trong khi các biện pháp kiểm soát biên giới hạn chế đi lại và lưu thông hàng hóa đã gây rắc rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cũng đẩy cao chi phí hàng hóa và dịch vụ.

Do biến thể virus SARS-CoV-2 vẫn đang hoành hành và tình hình phục hồi kinh tế toàn cầu bấp bênh, một số chuyên gia kinh tế lo ngại môi trường lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế thấp có thể khiến kinh tế toàn cầu quay trở lại thập niên lạm phát đình trệ.

Quay lại cuộc khủng hoảng dầu mỏ của thập niên 1970, khi đó do giá dầu tăng mạnh khiến kinh tế toàn cầu rơi vào thập niên lạm phát cao, lãi suất cao và kinh tế suy thoái.

50 năm sau, giá dầu bật tăng từ mức đáy của năm 2014, riêng từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 60%. Xét từ góc độ thiếu hụt nguồn cung năng lượng của Trung Quốc và châu Âu gần đây, giá dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vẫn có không gian tiếp tục gia tăng.

Giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh khiến giá nguyên vật liệu và hàng hóa công nghiệp gia tăng, trong khi hoạt động cung ứng và vận chuyển tắc nghẽn do dịch bệnh đã đẩy cao giá cả hàng hóa và kỳ vọng lạm phát.

Mặc dù tình hình lạm phát hiện nay có điểm tương đồng so với mức lạm phát cao của thập niên 1970, song liệu đây chỉ là vấn đề kết cấu ngắn hạn hay sẽ tồn tại kéo dài vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.

Theo Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, lạm phát của Mỹ là hiện tượng mang tính tạm thời sau khi tái khởi động nền kinh tế, hơn nữa tình hình việc làm vẫn chưa hồi phục, do đó Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng thêm một thời gian, đồng thời tiếp tục kiên nhẫn về việc tăng lãi suất.

Để hạ thấp kỳ vọng lạm pháp, ông Jerome Powell còn tuyên bố Fed sẽ cho phép lạm phát vượt quá mức 2% trong một thời gian, sau đó mới xem xét tăng lãi suất để đảm bảo sức bền của thị trường lao động và phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế của Mỹ đặc biệt mạnh mẽ, cộng thêm việc lạm phát vượt qua mục tiêu 2%, nên gần đây Fed tuyên bố sẽ từng bước thu hẹp quy mô mua trái phiếu, đồng thời có thể tăng lãi suất trước thời hạn.

Sau khi dữ liệu lạm phát tháng Tám của Mỹ được công bố, một quan chức Nhà Trắng cho biết vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng xuất hiện trong chất bán dẫn và khó khăn vận chuyển dường như tiếp tục kéo dài dai dẳng hơn so với dự đoán của 1-2 quý trước đó.

Mặt khác, một số chuyên gia kinh tế, đứng đầu là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, đã nhấn mạnh chính sách của Mỹ đang đẩy nhu cầu tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng nguồn cung, điều này sẽ thúc đẩy giá cả gia tăng, từ đó khiến lạm phát đi lên trong khi giá cả gia tăng sẽ nâng kỳ vọng lạm phát của thị trường.

Theo ông Lawrence Summers, rủi ro lớn nhất hiện nay của kinh tế Mỹ là lạm phát, chứ không phải nhu cầu suy yếu.

Chuyên gia này cho rằng chính sách kinh tế và ngoại giao của Mỹ hiện nay có “điểm tương đồng đáng kinh ngạc” so với thập niên 1960-1970, đồng thời nhấn mạnh ông Jerome Powell đang “quá điềm tĩnh” đối với vấn đề lạm phát.

Trong dự đoán đưa ra vào tháng 6/2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định tỷ lệ lạm phát của Mỹ vào cuối năm nay sẽ chạm 5%, điều này chắc chắn sẽ có tác động đối với kỳ vọng lạm phát và thị trường tài chính sẽ xuất hiện nhiều biến động hơn, lợi tức trái phiếu sẽ tiếp tục gia tăng.

Gần đây, Ủy ban chính sách tài chính của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh và thiếu hụt lao động cũng như nguyên vật liệu, việc tái khởi động nền kinh tế đã làm gia tăng áp lực lạm phát.

BoE cảnh báo giá tài sản rủi ro của nhiều thị trường đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử. Một khi những người tham gia thị trường đánh giá lại triển vọng tăng trưởng kinh tế, lạm phát hoặc lãi suất, việc định giá tài sản có thể sẽ được điều chỉnh sâu.

Các ngân hàng “rậm rịch” tăng lãi suất

Các Ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang bước vào chu kỳ tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Na Uy (Norges Bank) đã điều chỉnh tăng lãi suất, trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Norges Bank nhấn mạnh rằng Na Uy có thể sẽ có nhiều hơn một đợt tăng lãi suất vào cuối năm nay.

Trong khi đó, sau cuộc họp chính sách tháng Chín, BoE cũng có ý nói rằng ngân hàng sẽ tăng lãi suất.

Ngày 6/10, Ngân hàng Trung ương New Zealand cũng đã lần đầu tiên tăng lãi suất trong vòng 7 năm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục gỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ.

Lạm phát tổng thể trong tháng Tám của Singapore là 2,4%. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khác với các Ngân hàng trung ương khác sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát, Singapore đã thông qua kế hoạch điều chỉnh tỷ giá đồng đô la Singapore (SGD) để đảm bảo giá cả ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Lạm phát tổng thể trong tháng Tám của Singapore là 2,4% và lạm phát lõi là 1,1%, đây đều là những số liệu cao so với dự đoán cả năm của Cục quản lý tài chính Singapore.

Tập đoàn tài chính DBS dự đoán báo cáo chính sách tiền tệ của Cục quản lý tài chính Singapore, công bố vào ngày 14/10, sẽ cho phép đồng SGD trở lại quỹ đạo tăng giá.

Mặc dù Singapore cần chung sống với dịch bệnh, nhưng nước này không có lý do để chung sống với lạm phát.

Tuy nhiên, cũng có một số chuyên gia phân tích cho rằng Cục quản lý tài chính có thể sẽ duy trì chính sách không tăng giá cho đến tháng 4 năm sau.

Đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nếu doanh nghiệp không thể chuyển toàn bộ lạm phát do chi phí thúc đẩy sang người tiêu dùng, thì lợi nhuận sẽ bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng trung ương thắt chặt các chính sách tiền tệ hoặc nâng cao lãi suất cũng sẽ làm gia tăng chi phí huy động vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp trong thời gian dài đã nâng cao nợ của chính phủ và doanh nghiệp trên toàn cầu. Do đó, lãi suất tăng sẽ thử thách năng lực trả nợ của họ.

Bước tiếp theo, nhà đầu tư có thể sẽ chứng kiến ngày càng nhiều sự cố doanh nghiệp vỡ nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục