Số liệu sơ bộ từ Cục Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 13/10 cho biết giá tiêu dùng ở Đức đã phá ngưỡng, với mức tăng 4% trong tháng Chín so với cùng kỳ năm ngoái và đây là mức tăng cao nhất trong gần 28 năm qua.
Mức lạm phát tăng cao trong tháng Chín, lên 4,1%, chủ yếu do giá năng lượng cao hơn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/1993 khi tỷ lệ lạm phát lên tới 4,3%.
Destatis nhận định rằng lạm phát gia tăng ở Đức chủ yếu do giá năng lượng bị đẩy lên cao. Ngoài ra, một yếu tố nữa là việc bãi bỏ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) tạm thời được áp dụng do đại dịch COVID-19 cũng đẩy giá tiêu dùng lên cao hơn.
Năm ngoái, để kích thích tiêu dùng nội địa trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch, Chính phủ Đức đã tạm thời giảm thuế VAT trong khoảng thời gian từ tháng 7-12/2020. Tuy nhiên, từ tháng 1/2021, khung thuế VAT bình thường lại được áp đặt trở lại, đẩy giá hàng hóa và dịch vụ đi lên.
Giới chuyên gia nhận định tỷ lệ lạm phát ở Đức có thể lên tới 5% trong năm nay. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế chỉ coi sự gia tăng lạm phát là hiện tượng tạm thời, không kéo dài và sẽ giảm xuống trong năm tới.
[Tỷ lệ lạm phát của Đức tăng cao nhất kể từ năm 1993]
Trước đó, Destatis cho biết giá cả ở Đức đang tăng cao, trong đó giá bán buôn ở nền kinh tế Đức trong tháng Chín vừa qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1974. Cụ thể, giá bán buôn tại Đức tháng qua đã tăng 13,2% so với một năm trước đó.
Lần gần đây nhất giá bán buôn tại nước này có mức tăng mạnh hơn là vào tháng 6/1974 khi mức tăng lên tới 13,3% do cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần đầu tiên.
Xu hướng gia tăng giá bán buôn đã được ghi nhận trong nhiều tháng qua khi trong tháng Tám, tỷ lệ lạm phát là 12,3% và trong tháng Bảy là 11,3%.
Theo Destatis, giá bán buôn tăng cao so với tháng 9/2020 một mặt do giá nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian tăng mạnh, mặt khác là do hiệu ứng từ mức giá rất thấp trong những tháng trước đó liên quan cuộc khủng hoảng COVID-19.
Hầu như tất cả các mặt hàng bán buôn đều có giá tăng mạnh, từ quặng, kim loại và các sản phẩm từ kim loại (62,8%); các sản phẩm dầu mỏ (42,3%); phế liệu (84,6%) cũng như gỗ nguyên liệu và gỗ xẻ (54,6%); ngũ cốc, thuốc lá thô, hạt giống và thức ăn chăn nuôi cũng trở nên đắt hơn đáng kể (23,9%).
Do sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu sau suy thoái do đại dịch COVID-19, giá nhiều sản phẩm đang gia tăng nhanh chóng.
Các nền kinh tế lớn nhất thế giới, như Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, khi các chương trình kích thích tăng trưởng kinh tế lớn được triển khai tại các nước này./.